08:19 20/10/2016

Cào bằng chính sách, các bộ tự đẩy mình vào thế khó

Nguyên Vũ

Xung quanh việc Quốc hội quyết định hỗ trợ nhà ở với những người có công đang phải ở nhà tạm

Phiên giải trình được tổ chức sát ngày khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội, được truyền hình trực tiếp tới cử tri cả nước, đã ghi nhận  khá nhiều ý kiến thẳng thắn của các vị đại diện cho dân.
Phiên giải trình được tổ chức sát ngày khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội, được truyền hình trực tiếp tới cử tri cả nước, đã ghi nhận  khá nhiều ý kiến thẳng thắn của các vị đại diện cho dân.
Các bộ đã tự đẩy mình bước vào con đường khó khăn khi cào bằng về chính sách, khiến mọi người có công đều nghĩ là mình được hưởng chính sách hỗ trợ, trong khi rõ ràng Quốc hội quyết định hỗ trợ cho người có công đang phải ở nhà tạm, nhà không đảm bảo.

Nhận định này được Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nêu ra trong phiên giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, hôm 19/10.

Phiên giải trình được tổ chức sát ngày khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội, được truyền hình trực tiếp tới cử tri cả nước, đã ghi nhận khá nhiều ý kiến thẳng thắn của các vị đại diện cho dân.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Nghị quyết 494 năm 2013 của Quốc hội quy định có 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng cần phải phá dỡ để xây mới hoặc đang ở nhà tạm phải sửa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Số lượng hỗ trợ là khoảng 71.000 hộ (49.000 hộ xây dựng mới và hơn 21.000 hộ sửa chữa, cải tạo). Với đề nghị thêm của các địa phương, tổng số hộ được hỗ trợ trong giai đoạn 1 được nâng lên thành 80.000 hộ.

Nhưng khi triển khai Quyết định 22 của Chính phủ, đến tháng 7/2014, theo kê khai của các địa phương, số lượng lên tới trên 300.000 hộ, tăng gấp 4,6 lần so với số lượng dự kiến năm 2012.

Thống kê của các địa phương cho thấy, tính đến hết tháng 9/2016, Nhà nước đã hoàn thành hỗ trợ 75.600 trên tổng số 80.000 hộ dẫn. Còn lại 4.4000 hộ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Tổng kinh phí đã cấp đủ để thực hiện chính sách này là gần 2.800 tỷ đồng.

Về kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2, Bộ trưởng Hồng Hà cho biết, con số còn rất lớn, trên 291.000 hộ. Nguồn kinh phí tính toán là khoảng 7.540 tỷ đồng.

Việc chương trình được thực hiện chậm so với kế hoạch, Bộ trưởng Hồng Hà giải thích là do việc cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương còn chậm và phải chia thành nhiều đợt. Đến nay, kinh phí ngân sách cần cấp để thực hiện giai đoạn 2 chưa bố trí được.

Sau báo cáo của Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về  các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi sốt ruột vì đến nay mới chỉ 1/4 tổng số hộ người có công được hỗ trợ, vẫn còn gần 300.000 hộ phải chờ đợi. 

Ông Lợi cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ ngành khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng Quyết định 22 năm 2013 để triển khai nghị quyết của Quốc hội, xác định số hộ người có công cần hỗ trợ, vượt quá diện điều chỉnh của Pháp lệnh Người có công.

Bộ trưởng Hồng Hà giải trình, Nghị quyết 494 của Quốc hội nếu so với Pháp lệnh Người có công năm 2005 thì có 9 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng đến năm 2012, khi sửa Pháp lệnh, số đối tượng nâng lên thành 12 nhóm nên số lượng người được hưởng hỗ trợ cũng tăng lên.

Tuy nhiên, ông Hà cũng xác nhận xác nhận có việc chậm trễ trong triển khai thực hiện chính sách. Từ khi có nghị quyết của Quốc hội đến khi Chính phủ ban hành Quyết định 22, Bộ Xây dựng ra thông tư hướng dẫn thực hiện mất gần một năm, vì khoảng thời gian đó các bộ tập hợp để bàn về diện đối tượng được hỗ trợ. Uỷ ban Về các vấn đề xã hội khi đó cũng đề nghị đi kiểm tra trước nên tiến độ chậm lại. 

Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc này, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà.

Phó chủ nhiệm Đặng Thuần Phong lập luận, nghị quyết của Quốc hội nêu rõ đối tượng hỗ trợ là người có công đang ở nhà tạm hoặc hư hỏng nặng. Khi đó, khảo sát là 71.000 hộ, mà số cho bổ sung lại tới 335.000 hộ. 

Ông Phong cho rằng, có sự lãng phí việc hỗ trợ nhà ở cho người có công thành chính sách nhà ở. Tiếp xúc cử tri, mọi người có công đều cho rằng mình là đối tượng được hưởng chính sách. Việc mở rộng đối tượng theo Quyết định 22 vượt tầm Pháp lệnh người có công, làm vượt lớn dự kiến ngân sách. 

Đây là “lỗi” trong việc tham mưu, ông Phong nhận định.