19:42 10/11/2012

Chậm thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội “cần kiểm điểm”

Nguyễn Lê

“Cán bộ và cử tri gặp chúng tôi cứ hỏi tại sao một quy định hay như vậy mà hơn 10 năm qua không thực hiện?”

Đại biểu Nguyễn Thị Khá  khẳng định, lấy phiếu tín nhiệm cần thiết "như cơm phải ăn, nước phải 
uống, áo phải mặc". Cũng chính vì sự cần thiết này nên phải "tránh ăn 
uống quá nhiều hay qua loa, tránh mặc quá rộng hay quá chật" - Ảnh: MĐ.<br>
Đại biểu Nguyễn Thị Khá khẳng định, lấy phiếu tín nhiệm cần thiết "như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc". Cũng chính vì sự cần thiết này nên phải "tránh ăn uống quá nhiều hay qua loa, tránh mặc quá rộng hay quá chật" - Ảnh: MĐ.<br>
Phát biểu sau cùng trong số 27 vị tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 10/11, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng Quốc hội phải kiểm điểm trước trước nhân dân về việc chậm thực hiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đã được ghi trong Hiến pháp.

“Cán bộ và cử tri gặp chúng tôi cứ hỏi tại sao một quy định hay như vậy mà hơn 10 năm qua không thực hiện?”, ông Phúc nói.

Về nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, vẫn như khi thảo luận tại tổ, tuyệt đại đa số các ý kiến đều cho rằng chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt.

Gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Với quan điểm thà ít mà tốt, đại biểu Phạm Minh Tấn (Đắc Lắc) cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cho nên cần phải làm thí điểm trong phạm vi hẹp, trọng tâm, nếu tốt sẽ làm rộng hơn để đảm bảo thận trọng, chắc chắn.

Đa số ý kiến cũng đồng ý chỉ nên quy định 3 mức độ tín nhiệm cao, trung bình, và tín nhiệm thấp còn bỏ mức độ không có ý kiến và hoặc ý kiến khác. Vì đã là đại biểu là phải thể hiện chính kiến.

Việc đánh giá tín nhiệm gắn với văn hóa từ chức cũng là vấn đề được nhiều đại biểu bàn thảo.

Theo dự thảo nghị quyết, nếu lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm quá 2/3 tổng số đại biểu tín nhiệm thấp thì chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Còn nếu hai lần liền nhau tín nhiệm thấp cũng chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm.

Một số vị đại biểu đề nghị cần quy định theo hướng sau lần lấy phiếu thứ nhất mà tín nhiệm dưới 50% trên tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu hội đồng nhân dân thì chuyển ngay sang việc bỏ phiếu tín nhiệm chứ không cần chờ lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai.

Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng nên quy định thẳng là người có quá nửa tổng số đại biểu tín nhiệm thấp phải từ chức, nếu không từ chức thì nên đưa ra Quốc hội bỏ phiếu.

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị cần quy định thêm về cách khuyến khích cho đại biểu có số tín nhiệm thấp tự mình xin từ chức. Tránh tình trạng như hiện nay có nhiều cán bộ lãnh đạo sai phạm không còn tín nhiệm nhưng vẫn cố tình bám giữ chiếc ghế của mình đến cùng đến khi kỷ luật buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm thì mới chịu thôi.

Nghị quyết này sẽ được thông qua vào ngày 21/11.