23:32 09/05/2013

Chậm triển khai chính sách và trần tình của Bộ

Lê Châu

Hai bản nghị quyết "gỡ khó" cho nền kinh tế được ban hành đã 3 tháng, nhưng nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn

Nhiều chuyên gia đánh giá việc triển khai đưa chính sách vào cuộc sống hiện tại là quá chậm.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc triển khai đưa chính sách vào cuộc sống hiện tại là quá chậm.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn cho Chính phủ, là khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn.

Theo đó, tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ký hồi cuối tháng 4, nhấn mạnh: “Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền các chính sách đã được quy định trong Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ”.

Được biết, cả hai nghị quyết này đã được Chính phủ ban hành ngay từ những ngày đầu tháng 1 và được giới chuyên gia cũng như dư luận đánh giá cao về tính kịp thời, hợp lý.

Tuy nhiên, hơn 3 tháng đã qua đi, và nói như nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm: “Tôi rất hoang mang, nền kinh tế đã trôi qua hơn một quý, mà đến giờ, cả hai nghị quyết của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách vẫn chờ các văn bản hướng dẫn, thì tôi không hiểu khẩn trương là khẩn trương thế nào? Tình hình quả thật rất trì trệ, trong khi doanh nghiệp và người dân đang mong chờ từng ngày”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cũng nhận xét: “Người dân và doanh nghiệp khi nghe tin Chính phủ kịp thời ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thì đều rất hồ hởi, phấn khởi. Nhưng đến nay, triển khai đưa chính sách vào cuộc sống là quá chậm”.

Rất sốt ruột, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ lo lắng: “Cứ chùng chình thế này, doanh nghiệp phá sản hàng loạt và không biết đến bao giờ nền kinh tế mới thoát khỏi cảnh tiếp tục lao dốc”.

Còn Phó trưởng đoàn Quốc hội Thanh Hóa, ông Lê Nam: “Có rất nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch trong các Nghị quyết của Chính phủ, và cái gì nghe cũng hay, cũng đúng, nhưng triển khai vào cuộc sống sao mà quá xa xôi!”.

Trần tình về sự chậm trễ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải thích: “Vì nhiều lý do khác nhau, các vấn đề về cơ chế chính sách rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, nên việc nghiên cứu, ban hành và thực hiện các giải pháp chính sách cụ thể bị chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có dẫn ra một loạt hành động từ các bộ, ngành, chứng tỏ sự đã và đang tích cực triển khai thực hiện, cụ thể hóa các giải pháp đã được quy định trong các nghị quyết của Chính phủ, như: Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, ổn định tỷ giá; Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường...; Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn việc gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp nhằm tăng cường minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh và đầu tư...

Tuy nhiên, với những chính sách mang tính “cốt tử” để vực dậy nền kinh tế, chẳng hạn như các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất  động sản, thì chủ yếu sôi nổi nhờ sự  vào cuộc của giới chuyên gia, còn các cơ quan liên quan chưa thấy “động đậy” gì đáng kể, mà vẫn mới chỉ nằm trong nhiệm vụ cấp bách trước mắt cần phải tập trung thực hiện trên... giấy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ “sớm hướng dẫn và triển khai khẩn trương các chủ trương chính sách hỗ trợ tín dụng để hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà ở thương mại có diện tích 70 m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với mức lãi suất ổn định ở mức thấp”.

Hay với nhiệm vụ triển khai thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định: “Đây là nhiệm vụ rất lớn, rất phức tạp và phải triển khai trong thời gian dài”.

Mặc dù vậy, vẫn có một số chính sách khác đang có tiến độ đi vào cuộc sống nhanh hơn nhiều, có thể kể đến, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là đã triển khai nhanh các chính sách thu phí giao thông đường bộ đi đôi với việc dừng thu phí tại các trạm thu phí đường bộ (ngoài các tuyến BOT), giảm phí trước bạ, sang tên, mua bán ôtô, xe máy cũ. Đồng thời nghiên cứu giảm thuế có thời hạn đối với thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ tăng cầu về hàng hóa đang quá yếu hiện nay; thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế một cách hợp lý, không dồn vào một thời điểm, nhằm tránh tác động tăng giá đột biến...

Đặc biệt, có chính sách được đưa ra triển khai hết sức khẩn trương và quyết liệt, là đấu thầu vàng.

Mặc dù không thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước là “bắt đầu từ ngày 28/3/2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng để tăng cung, góp phần bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 của Chính phủ”.