10:05 24/06/2015

“Chỉ tiêu kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập”

Ngô Trang

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra một số bất cập trong hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo.<br>
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo.<br>
Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đáng kể nhất là thiếu các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng và thiếu sự thống nhất giữa chỉ tiêu với mục tiêu và giải pháp thực hiện.

Đó là đánh giá của Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại hội thảo "Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội", do cơ quan này tổ chức ngày 23/6.

Chưa thống nhất, không nhất quán

Theo ông Huệ, quá trình triển khai thực hiện hệ thống các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó nổi bật là các chỉ tiêu Quốc hội thông qua là các chỉ tiêu định hướng phát triển chung của nền kinh tế và phát triển từng ngành, lĩnh vực trong thời kỳ kế hoạch.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi. Một số chỉ tiêu đã có phương pháp tính toán phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lại thiếu các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế cũng như đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế như: năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP, năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số HDI, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR của nhà nước, cơ cấu lao động..

Đáng chú ý, các sự bất cập thể hiện ở chỗ chưa bảo đảm thống nhất giữa chỉ tiêu với mục tiêu và giải pháp thực hiện; chưa phân định rõ ràng giữa chỉ tiêu định hướng chung và chỉ tiêu nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với chỉ tiêu phát triển ngành; vẫn còn nhiều chỉ tiêu  thể hiện sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào sản xuất kinh doanh; thiếu nhiều chỉ tiêu phản ánh thành quả phát triển trong khi đó lại bao hàm quá nhiều chỉ tiêu mang tính phân tích, đánh giá...

Một số chỉ tiêu phương pháp tính giữa Trung ương và địa phương chưa thống nhất dẫn đến sự không nhất quán về số liệu, rõ nhất là chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước: GRDP của các địa phương thường gấp trên 1,5-2 lần so với tốc độ tăng GDP của cả nước.

Bên cạnh đó, phương pháp tính một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm hạn chế khả năng so sánh chỉ tiêu của quốc gia với các quốc gia khác. Ví dụ, do quy định thu, chi, bội chi ngân sách hiện còn có bất cập ở một số khoản thu - chi chưa theo thông lệ quốc tế nên các chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP, dư nợ công, dư nợ của Chính phủ và dư nợ quốc gia/GDP, làm hạn chế khả năng so sánh với các quốc gia khác...

Một số chỉ tiêu khó có thể thu thập số liệu, việc tính toán thiếu khả thi hoặc còn mang tính hình thức như: Số người dùng nước hợp vệ sinh, số người nghe Đài tiếng nói Việt Nam, số người tập thể dục, số lượt khách du lịch nội địa...

Một số chỉ tiêu mang tính thông tin, định hướng nhưng khó xác định chính xác, như chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội... Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhưng chưa cân đối các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thực hiện nên tính khả thi thấp.

Tư duy kế hoạch hóa tập trung và tâm lý thành tích

Về thời hạn công bố và nội dung số liệu công bố, hầu hết các chỉ tiêu do cơ quan thống kê công bố sau thời gian báo cáo của cơ quan kế hoạch. Số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức một số chỉ tiêu có lúc còn chênh lệch lớn.

Công tác theo dõi, rà soát và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhìn chung còn bất cập, thể hiện ở hệ thống số liệu thống kê chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống chỉ tiêu kế hoạch chưa cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; chưa đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê.

Ý thức chấp hành Luật Thống kê và các luật pháp khác liên quan đến lĩnh vực thống kê; kế toán; ngân hàng; liên quan đến điều tra, báo cáo thống kê của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc nên số lượng, chất lượng thông tin thống kê vẫn còn những hạn chế; mặt khác Luật Thống kê được ban hành từ năm 2003 đến nay còn nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó là do ảnh hưởng của tư duy kế hoạch hóa tập trung và tâm lý thành tích dẫn đến việc xây dựng quá nhiều chỉ tiêu và quá chi tiết; tạo áp lực trong quá trình thống kê, báo cáo số liệu nên tính chính xác còn hạn chế.  Việc phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương; giữa các sở ngành ở địa phương còn hạn chế.