13:33 04/08/2011

Chiều nay, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông

Nguyễn Lê

Vào cuối buổi chiều nay (4/8), Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình biển Đông

Tình hình biển Đông sẽ được báo cáo trực tiếp với Quốc hội.
Tình hình biển Đông sẽ được báo cáo trực tiếp với Quốc hội.
Theo chương trình đã được điều chỉnh của kỳ họp Quốc hội thứ nhất đang diễn ra, vào cuối buổi chiều nay (4/8), Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình biển Đông.

Nội dung này sẽ diễn ra sau khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

Trước phiên họp, Trung tâm báo chí kỳ họp đã gửi thông cáo đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí “không tham dự nội dung Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông”.

Tình hình biển Đông trong thời gian gần đây là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Ngay từ trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13, đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo sâu về nội dung này.

Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp cũng cho thấy, cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tình hình căng thẳng ở biển Đông đang tăng lên cũng được Chính phủ nhìn nhận là một trong những khó khăn thách thức mới của tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011, khi báo cáo trước Quốc hội.

Chính phủ cũng cho biết, đã thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên biển Đông. Kiên quyết, chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và thế giới, các diễn đàn quốc phòng - an ninh khu vực như Bali, Shangri-La… và tiếp xúc song phương, đa phương.

Đồng thời, triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế - thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên biển thuộc chủ quyền quốc gia.

Trước thềm kỳ họp thứ nhất, Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan khác chuẩn bị, trình báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của ta, chuẩn bị trình bày trực tiếp tại một phiên họp trong kỳ họp Quốc hội.