10:12 06/02/2012

Chính phủ có thể ban hành nghị định về văn hóa từ chức

Mai Minh

"Việc từ chức là vấn đề hết sức bình thường, không nên nặng nề về việc này. Chúng ta dần dần phải thay đổi tư duy nhận thức"

Thủ tướng vừa ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với ông Đào Văn Hưng.
Thủ tướng vừa ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với ông Đào Văn Hưng.
Xung quanh quyết định miễn nhiệm mới đây của Thủ tướng đối với Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng, đã có dư luận cho rằng nếu ông Hưng "tự nguyện" từ chức, thì mọi việc sẽ trở nên bình thường hơn.

Văn hóa từ chức là một nội dung nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, thuộc khía cạnh văn hóa của chế độ công vụ. Vấn đề này đang được Bộ Nội vụ nghiên cứu đưa vào đề án tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức trình Chính phủ trong quý 1/2012.

"Việc từ chức là vấn đề hết sức bình thường, không nên nặng nề về việc này. Chúng ta dần dần phải thay đổi tư duy nhận thức", ông Trần Anh Tuấn, Thứ  trưởng Bộ Nội vụ nói.

Văn hóa từ chức sẽ được hiện thực hoá thành một văn bản thế nào, thưa ông?

Chúng tôi chưa bàn đến hình thức văn bản ban hành quy chế này. Có  thể đây sẽ là nghị định do Chính phủ ban hành.

Khi nghị định quy định về văn hóa từ chức ra đời sẽ bảo đảm cho cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Khi có những vấn đề xảy ra có liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình thì có thể xin cấp có thẩm quyền cho từ chức.

Về sau, khi cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý, những người đã từ chức thời gian trước đó vẫn có cơ hội được giới thiệu tham gia vào quy trình bổ nhiệm bình đẳng như những người khác để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chúng tôi nghĩ rằng, các quy định này nếu được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình hơn trong hoạt động công vụ. Đồng thời tạo ra một nếp văn hóa trong hoạt động công vụ.

Tức là nghị đinh về văn hoá từ chức được xây dựng trên tinh thần khuyến khích người quản lý từ chức chứ không phải là buộc phải từ chức?

Xây dựng các quy định về vấn đề từ chức chính là một trong các giải pháp nhằm tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng hiện đại, thống nhất, xuyên suốt, chuyên nghiệp. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các quy định về vấn đề từ chức sẽ là một giải pháp để góp phần cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta.

Khi tại một cơ quan, đơn vị nào đó có vụ việc xảy ra liên quan đến trách nhiệm hoặc khi thấy bản thân mình thiếu năng lực để hoàn thành nhiệm vụ thì người lãnh đạo, quản lý nơi đó cần tự thấy rằng việc từ chức là sự lựa chọn sáng suốt.

Các quy định về vấn đề từ chức cũng không khép lại các cơ hội phát triển đối với cán bộ, công chức đã từ chức mà sẽ mở ra các cơ hội khác cho họ trong tương lai.

Tôi tin rằng, sau khi từ chức, nếu cán bộ, công chức tiếp tục rèn luyện tu dưỡng, đáp ứng yêu cầu của cơ quan thì họ vẫn có cơ hội tiếp tục được giao nhiệm vụ tương xứng, phù hợp phẩm chất, trình độ và năng lực của họ. Vì vậy, không lý gì họ phải “tham quyền cố vị”, nếu họ biết rút lui đúng lúc để có thể xuất hiện lại đúng lúc.

Tinh thần của chúng tôi khi xây dựng văn hoá từ chức là như vậy. Còn việc đưa ra các quy định để buộc phải từ chức, thì thực tế, Luật Cán bộ công chức năm 2008 đã quy định cán bộ, công chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết cho thôi việc rồi

Nhưng từ chức vốn chỉ được xem như hiện tượng rất hy hữu ở Việt Nam. Vì vậy, dù có một nghị định, nhưng nếu mềm mỏng quá thì cũng khó có khả năng tạo được văn hoá từ chức?

Từ chức là vấn đề pháp lý nhưng trong đó có nội hàm của vấn đề đạo đức, khi mà chúng ta quan niệm hành động từ chức liên quan đến thái độ ứng xử trong hoạt động công vụ, ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của mỗi người.

Tuy nhiên, với những trường hợp “không biết tự xử”, sẽ có quy định, chế tài cụ thể buộc họ phải từ chức. Chẳng hạn với cán bộ, công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải giải quyết theo quy định của Luật Cán bộ công chức, để bảo đảm hoạt động công vụ “có vào, có ra” và “có lên có xuống”.

Theo ông, nên hiểu về từ chức thế nào để vấn đề này thực sự sẽ trở thành một văn hóa?

Việc từ chức là vấn đề hết sức bình thường, không nên nặng nề về việc này. Chúng ta dần dần phải thay đổi tư duy nhận thức. Không phải người từ chức là người xấu mà là người đáng được tôn trọng và kính trọng. Bởi đó là những người dám chịu trách nhiệm với công việc được giao.