09:46 03/11/2010

“Chính phủ không nên đi vay về rồi cho vay lại”

Nguyễn Lê

Nhiều vị đại biểu Quốc hội băn khoăn về mức nợ công và nhiều hạn chế khác trong điều hành ngân sách Nhà nước

Chiếc đồng hồ thông báo công khai diễn biến mức nợ quốc gia của nước Mỹ, được đặt tại thành phố New York - Ảnh: Reuters.
Chiếc đồng hồ thông báo công khai diễn biến mức nợ quốc gia của nước Mỹ, được đặt tại thành phố New York - Ảnh: Reuters.
"Chính phủ không nên đi vay rồi về cho vay lại, vì Chính phủ chỉ có chức năng quản lý, điều hành chứ không phải kinh doanh", báo cáo tập hợp ý kiến thảo luận tổ về ngân sách Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội thứ tám nêu quan điểm của nhiều vị đại biểu Quốc hội.

Đề nghị này được đưa ra khi nhiều vị đại biểu đã không còn yên tâm về mức nợ công và nhiều hạn chế khác trong điều hành ngân sách Nhà nước.

Theo con số được Thủ tướng Chính phủ nêu ra ngay tại phiên khai mạc kỳ họp, dự kiến đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng mức an toàn của nợ công còn phụ thuộc vào đặc điểm từng nước, hiện tại dư nợ công của Việt Nam đã ở mức cao. Có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ tại sao trong xác định ngưỡng nợ công, khi thì nói 30% GDP là an toàn, rồi 40%, 50%, 60% là an toàn. Trong khi khả năng trả nợ của ta xác định là kém.

Việc Chính phủ xác định trong chiến lược nợ công 50% an toàn là dựa trên cơ sở nào, nhiều đại biểu nêu câu hỏi.

Một số ý kiến lưu ý, nợ công theo báo cáo của Chính phủ đang ở mức an toàn nhưng vốn ODA trên 70% hiện đi vay của nước ngoài, do vậy việc sử dụng vốn này cần thận trọng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này cần được xem xét, tính toán và cân nhắc khi sử dụng, hiện nay ở các địa phương đang bố trí dàn trải, trong báo cáo của Chính phủ cần giải trình rõ hơn.

Bàn về dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng “hiện nay, nợ công là 52,6% GDP, không còn là giới hạn an toàn”. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ và Quốc hội giám sát về nợ công, có kế hoạch trung và dài hạn về nợ công để thực hiện. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay để tránh trường hợp như Vinashin..

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, xu hướng các nước hiện nay không muốn vay ODA do có kèm theo những điều kiện liên quan đến việc mua, bán nguyên liệu, chuyển giao công nghệ. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần giảm vốn vay ODA và có đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn vay này.

Bên cạnh nợ công, mức bội chi ngân sách cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị phấn đấu bội chi từ 5% trở xuống, có ý kiến đề nghị mức 3%, một số ý kiến đề nghị từ 5% đến 5,7%GDP.

Liên quan đến cơ cấu chi ngân sách, một số vị đại biểu đề nghị phải cơ cấu lại chi và sắp xếp lại mặt bằng chi, tăng chi cho yếu tố con người. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng chi cho y tế dự phòng của địa phương; tăng chi cho an ninh, quốc phòng, chi sự nghiệp kinh tế và quan tâm đến các khoản chi đặc thù của các địa phương như: vùng cao, biên giới, hải đảo và các địa bàn chiến lược.

Theo nhiều đại biểu, cần tập trung kinh phí cho các địa phương nghèo, vì nếu cứ mải ưu tiên tập trung cho các tỉnh có số thu lớn thì những tỉnh nghèo sẽ không thể bứt phá lên được.

Theo nghị trình, sáng 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến thu chi ngân sách đã được đề cập ngay từ hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội vừa qua. Đại biểu Trần Du Lịch nói: "Khi thảo luận về ngân sách, tôi xin đăng ký và phát biểu sâu hơn về vấn đề chúng ta cần có một cuộc đột phá về cách phân bố đầu tư, sử dụng ngân sách và vấn đề bội chi".