12:38 24/04/2016

“Chính phủ mới, động lực quan trọng của cải cách”

Nguyên Vũ

Một bộ máy Chính phủ mới với sự hứng khởi, đồng thuận và quyết liệt sẽ là động lực quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả cải cách

TS. Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - người chủ trì báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016.
TS. Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - người chủ trì báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016.
Một bộ máy Chính phủ mới với sự hứng khởi, quyết tâm, đồng thuận và quyết liệt sẽ là một động lực quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả cải cách và phát triển kinh tế - xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung và nhóm tác giả của báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2016, nhận định.

Nhóm tác giả của báo cáo nhận định, việc chuyển giao sớm hơn về bộ máy Chính phủ so với ở các thời kỳ trước, phần nào cho thấy sự quan tâm đối với yêu cầu khẩn trương xử lý các vấn đề trong cải cách và điều hành kinh tế - xã hội, cũng như yêu cầu nhanh chóng chuẩn bị cho những vận hội, thách thức mới từ quá trình hội nhập quốc tế.

Theo những ưu tiên và giải pháp chủ chốt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 của Chính phủ thì Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong một bối cảnh kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định hơn.

“Dù vậy, động lực cho cải cách có phần chậm lại trong quý 1, một phần do chuyển giao nhân sự và một phần do lực cản đối với quá trình cải cách hiện hữu hơn. Đi kèm với suy giảm động lực cải cách là một khu vực tư nhân chưa thực sự giàu sức sống”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo của CIEM cũng đưa ra một số nhận xét đáng chú ý về diễn biến tiền tệ, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu.

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 12/2015, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,55%, thấp hơn so với mức 2,93% vào cuối tháng 9/2015.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng tình hình mua bán và xử lý nợ xấu không có nhiều chuyển biến trong quý 1/2016. Các ngân hàng thương mại hầu như chưa quan tâm đến định hướng và kế hoạch tiếp tục xử lý nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Con số tiếp theo được đề cập là tổng phương tiện thanh toán ước tăng 3,08% trong quý 1 (so với cuối quý 4/2015). Mức tăng này cao hơn so với cùng kỳ các năm 2014-2015.

Theo nhìn nhận của các tác giả báo cáo, trong quý 1, thanh khoản nhìn chung được điều hành khá linh hoạt để hỗ trợ cho phát hành trái phiếu Chính phủ và nhu cầu thanh toán trong dịp Tết. Tổng phương tiện thanh toán dường như chưa gây nhiều áp lực đối với lạm phát chưa nhiều do áp lực giảm giá trên thị trường thế giới đã truyền tải vào thị trường trong nước.

Thị trường ngoại hối, theo đánh giá tại báo cáo là ít gặp áp lực trong quý 1.

Báo cáo nêu nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã phần nào định hướng được diễn biến trên thị trường ngoại hối trong quý. Trong giai đoạn 2012-2015, các thành viên thị trường được hưởng lãi suất nếu nắm giữ USD, và chỉ gặp phải hai khả năng của tỷ giá liên ngân hàng: tăng hoặc cố định.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/năm với cả cá nhân và tổ chức, còn tỷ giá VND/USD trung tâm có sự bất định hơn cả về chiều hướng và mức độ tăng/giảm. Cơ chế thông tin với thị trường tiếp tục được thực hiện bài bản.

Trong chừng mực ấy, việc điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá đã có những tác động tích cực nhất định đối với thị trường ngoại hối, nhóm tác giả nhìn nhận.