19:22 30/12/2016

Chính phủ mới và “thông điệp quan trọng nhất”

NguyênVũ

Ở đâu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện, thì ở đó thông điệp “Chính phủ kiến tạo” được nhấn mạnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tại Tp.HCM sau khi chính thức nhậm chức - Ảnh: Thanh Niên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tại Tp.HCM sau khi chính thức nhậm chức - Ảnh: Thanh Niên.
Cộng đồng doanh nhân đã “ứng trước” niềm tin cho Chính phủ mới, khi lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 100 nghìn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Khoảng lặng giữa hai nhiệm kỳ

“Khái niệm “Nhà nước kiến tạo và phát triển” đã được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu trong bài viết ngày 1/1/ 2014. Đây là có thông điệp có sức lay động, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng về tư duy Nhà nước và thị trường”, ông Lộc nói tại một hội nghị chuyên đề về “Chính phủ kiến tạo”, diễn ra hôm 30/12 tại Điện Biên.

Theo ông, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là điều quan trọng nhất của “Nhà nước kiến tạo”, với thông điệp này, Nhà nước đã trở về cốt lõi là chức năng phục vụ chứ không phải cai trị.

Cho dù, ông Lộc nhìn nhận, rất tiếc là hai năm sau, cụm từ “Nhà nước kiến tạo” hầu như không được nhắc lại, chỉ dừng lại ở thông điệp của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cho đến khi Chính phủ được kiện toàn (tháng 4/2016) và bước sang nhiệm kỳ mới (tháng 7/2016), ở đâu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện, thì ở đó thông điệp “Chính phủ kiến tạo” được nhấn mạnh.

Và, theo Chủ tịch VCCI, “Nhà nước kiến tạo” chính là gạch nối của hai Chính phủ. “Chính phủ kiến tạo” được nhắc lại dồn dập như là thông điệp quan trọng nhất của Chính phủ mới.

“Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói “Nhà nước kiến tạo”, còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “Chính phủ kiến tạo”. Có điều gì khác? Chỉ là cách nói khác, suy cho cùng là một”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng nói thêm, “Nhà nước kiến tạo” không phải Việt Nam phát minh ra, mà là khái niệm phổ biến trên thế giới. Kiến tạo không phải là của riêng Chính phủ mà phải bao gồm cả ba nhánh lập pháp, tư pháp, hành pháp.

Nhìn lại hoạt động của Chính phủ từ khi được kiện toàn, ông Lộc nhận xét, nếu nói riêng về xây dựng Chính phủ kiến tạo thì các nghị quyết 35, 19, 36A là khung khổ quan trọng nhất.

“Chính phủ kiến tạo cũng cần chính quyền kiến tạo, hành động, coi doanh nghiệp là đối tác”, Chủ tịch VCCI nói trước tập thể lãnh đạo và cộng đồng doanh nhân tại Điện Biên.

Đặc biệt quan tâm khởi nghiệp

So với tỉnh, thành khác trong cả nước, những con số về cộng đồng doanh nghiệp ở Điện Biên khá khiêm nhường. Toàn tỉnh hiện có 1.070 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 10.440 tỷ đồng. Mục tiêu được tỉnh miền núi Tây Bắc này đặt ra là đến 2020 tăng ít nhất gấp 1,67 lần số lượng doanh nghiệp hiện có.

Thông tin từ các vị lãnh đạo Điện Biên cho thấy, từ sau hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp (tháng 4/2016), Điện Biên đã làm nhiều việc để nâng cao năng lực cạnh tranh và cam kết của tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh doanh nghiệp. Trong đó, khởi sự doanh nghiệp được đánh giá là điểm sáng.

Phát biểu tại hội nghị, cả Bí thư và Chủ tịch Điện Biên đều khẳng định sẽ coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Vẫn cần thời gian để Điện Biên có những con số ấn tượng hơn về sự phát triển doanh nghiệp, nhưng dường như niềm tin cũng đã được các doanh nhân “ứng trước”.

Doanh nhân Trần Lệ, người đã đầu tư làm ăn ở nhiều địa phương cho biết, ông vừa thành lập thêm một doanh nghiệp ở Điện Biên.

Trên 70 tuổi, đã làm ăn ở nhiều địa phương khác nhau, ông Lệ có nhiều thiện cảm với vùng đất Điện Biên, không chỉ ở sự đặc biệt về thiên nhiên mà còn có cả những thuận lợi nhất định trong môi trường đầu tư. Ý kiến một số doanh nhân khác cũng đề cập “luồng gió mới” từ Chính phủ kiến tạo và chính quyền (Điện Biên) đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vốn, thủ tục hành chính... vẫn là những vấn đề các doanh nhân đề nghị Điện Biên cần quan tâm nhiều hơn.