09:52 06/09/2012

Chính phủ: Thuế, phí của Việt Nam đã “tham khảo kỹ”

Nguyên Anh

Người phát ngôn của Chính phủ phản hồi trước thông tin cho rằng mức thu thuế và phí của Việt Nam quá cao

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Các khoản thu đều được đưa ra sau khi đã tham khảo kỹ lưỡng mức thu của các nước trong khu vực".
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Các khoản thu đều được đưa ra sau khi đã tham khảo kỹ lưỡng mức thu của các nước trong khu vực".
Việc tính toán mức thu đối với các khoản thuế, phí đã được các cơ quan chức năng tham khảo kỹ lưỡng tình hình thế giới cũng như mức thu của các nước khác trong khu vực, chứ không phải thu tùy tiện.

Đó là phản hồi của người phát ngôn Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính trước lo ngại của dư luận về việc thuế phí tại Việt Nam đang được thu ở mức quá cao, sau khi báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên 2012 - do nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố - cho rằng tỷ lệ thuế phí so với GDP tại Việt Nam đang ở mức cao hơn nhiều so với số liệu của các nước trong khu vực.

Thuế, phí thuộc nhóm trung bình thấp”

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, câu chuyện thuế, phí mà báo chí nêu vừa qua xuất phát từ một báo cáo thường niên của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Tuy nhiên, ông nói các đánh giá trong báo cáo là quan điểm của cá nhân, của tác giả chứ không phải quan điểm của một tập thể hay của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Còn với Chính phủ, theo ông Đam, khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế để trình ra Quốc hội thảo luận, thẩm định đều công khai, cởi mở. Vì thế, mọi chỉ tiêu vĩ mô đều có mối liên hệ rất khăng khít với nhau trong một chỉnh thể. Ví dụ như thuế, tỷ lệ động viên vào ngân sách, đầu tư đều liên hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình xây dựng kế hoạch thì các thông tin về tỷ lệ động viên hay mức thuế đều được xây dựng trên các đề án đã chuẩn bị trước theo đúng quy định. Đặc biệt, trong đó luôn có việc thống kê lại tình hình và các mức thu của các nước trên thế giới, chứ không thu một cách tùy tiện.

“Các cơ quan chức năng, trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, đều có tham khảo rất kỹ tình hình thế giới, các nước trong khu vực, từ đó mới chọn ra một phương án để thỏa luận, trình Quốc hội”, Bộ trưởng Đam nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lại cho rằng, thông tin mức thu thuế, phí tại Việt Nam gấp 1,4 - 3 lần các nước trong khu vực là “chưa chính xác”.

Theo bà Mai, con số được nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tính toán và công bố trong báo cáo gần đây là có cơ sở, nhưng đã bao gồm cả tiền thu từ dầu thô và sử dụng đất. Trong khi đó, thông lệ tính toán thuế phí ở các nước không bao gồm các khoản thu này.

“Ở nhiều nước, chẳng hạn như Trung Quốc, có hai hệ thống thu ở trung ương và địa phương, số liệu so sánh chỉ tính ở trung ương, còn Việt Nam hiện tính tổng các khoản thu này”, bà Mai giải thích.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu loại trừ các khoản thu từ dầu thô và tiền sử dụng đất, tỷ lệ thuế, phí trung bình trong 20 năm qua tại Việt Nam chỉ ở mức 12 - 14%, thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, kể từ năm 1999 đến nay, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam liên tục giảm, từ 32% xuống 28% (năm 2004) và từ năm 2009 đến nay là 25%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn hưởng các thuế suất ưu đãi 10% và 20% tùy vào lĩnh vực khuyến khích đầu tư. “Tính bình quân, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ ở mức 16,32%”, bà Mai cho biết.

Với thuế giá trị gia tăng (VAT), Việt Nam thu hai mức là 5% và 10% (mức 20% được bỏ từ năm 2004. Thuế thu nhập cá nhân cũng theo xu hướng giảm từ thang 10 - 60% (thuế thu nhập cao trong giai đoạn 2001 - 2008), xuống còn 5 - 35% hiện nay, cùng với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh. Các khoản thuế, phí cho nông nghiệp - nông dân cũng dần được gỡ bỏ (bỏ 340 loại thuế phí kể từ năm 2003 cho đến nay).

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng dẫn chứng thêm rằng thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình ở 83 nước là 27%. Còn các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan hiện thu 30%, Trung Quốc, Malaysia là 25%.

Đối với VAT, khảo sát tại 112 nước, có 88 nước thu 12 - 25%, 24 nước còn lại thu phổ biến mức 10%.

“Định hướng của chính sách thuế trong giai đoạn tới là góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định.

Giảm giá xăng dầu là “ngân sách có vấn đề ngay”

Trả lời thắc mắc của báo giới tại sao giá xăng dầu liên tiếp tăng cao trong một thời gian ngắn vừa qua, trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lý giải, câu chuyện kinh doanh xăng dầu hiện không còn cách nào khác là phải tiến tới cơ chế thị trường, tuy nhiên cơ chế của chúng ta chưa hẳn đã theo thị trường. Nghị định 84 vẫn còn những hạn chế nhất định. Hơn nữa có đầu mối nhập khẩu chiếm đến 60% thì chưa thể là thị trường được.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam điều hành cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới là dùng các công cụ thuế để điều tiết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh, với xăng dầu luôn có hai vấn đề. Thứ nhất là làm sao để tất cả chi phí đầu vào, chi phí đại lý được công khai và được giám sát rõ ràng để tránh các bức xúc trong dư luận.

Thứ hai, xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên quốc gia nào cũng đều có cơ chế để không để thiếu nguồn cung.

Do đó, theo Bộ trưởng Đam, giá bán chỉ là một phần thôi, bởi nếu giá có thấp đến mấy nhưng không có nguồn hàng để bán thì cũng không có ý nghĩa gì.

“Chính phủ luôn chỉ đạo phải cố gắng để đảm bảo nguồn cung. Còn Nghị định 84 không phải giao toàn quyền cho doanh nghiệp mà có quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng”, ông Đam nói.

Bên cạnh đó, với các mặt hàng, trong đó có xăng dầu luôn có nhiều loại thuế thuộc các thẩm quyền khác nhau, từ Quốc hội, đến Chính phủ, Bộ Tài chính… nhưng hiện chúng ta vẫn chưa dùng hết các loại thuế này như là những công cụ để điều hành quản lý mặt hàng này.

Theo Bộ trưởng Đam, xăng dầu là một mặt hàng biến động khó lường, kể cả nguồn cung lẫn giá cả. Nếu giá bán xuống thấp quá thì thu ngân sách “có vấn đề” ngay, nhưng nếu nó lên cao quá thì chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Chính vì vậy, theo lời ông Đam, Chính phủ rất nghiêm khắc, gần như kỳ họp nào cũng nhắc các bộ ngành liên quan phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và phải chú ý đến việc công khai, minh bạch hóa chi phí. Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, Công Thương xem xét Nghị định 84 để trình Chính phủ sửa đổi như thế nào để phù hợp hơn với tình hình kinh tế trong nước trong năm 2013.