11:27 23/04/2012

Chờ “lời giải khéo” cho bài toán khó của kinh tế 2012

Nguyên Thảo

Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát đang được coi là bài toán hóc búa

Không ít vị đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, nếu cả hai năm 2001 và 2012 đều không chạm mốc tăng trưởng 6% thì chỉ tiêu tăng GDP khoảng 6,5 - 7% cho giai đoạn 2011 - 2015 liệu có thể thành hiện thực? - Ảnh: Getty.
Không ít vị đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, nếu cả hai năm 2001 và 2012 đều không chạm mốc tăng trưởng 6% thì chỉ tiêu tăng GDP khoảng 6,5 - 7% cho giai đoạn 2011 - 2015 liệu có thể thành hiện thực? - Ảnh: Getty.
Khá chắc chắn về mức tăng một con số của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay, song tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được ở mức nào và mức nào là hợp lý thì vẫn khá ngập ngừng trong các phân tích và dự báo gần đây.

Qua quý 1, khi nền kinh tế đã đi hết chặng khởi đầu quan trọng của một năm, cũng là lúc các con số cụ thể đã hàm chứa nhiều điều của bức tranh tổng thể. Và, cũng là lúc, các chuyên gia kinh tế độc lập cũng như các nhà quản lý, hoạch định chính sách bắt đầu “mổ xẻ” tình hình qua các con số đó.

Ở một diễn đàn kinh tế vĩ mô gần đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển nói thẳng là ông không đồng ý với nhận định là nền kinh tế rơi vào trạng thái đình - lạm (lạm phát cao song hành với tăng trưởng đình đốn - PV) của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên và một số chuyên gia kinh tế khác.

"Nếu nhìn thuần túy vào chỉ số lạm phát và GDP thì dễ tạo cảm giác đó, chúng ta phải nhìn cả xu thế động", ông Tuyển nói.

Theo ông, kinh tế vĩ mô thì có rất nhiều chỉ tiêu, nhưng hai chỉ tiêu quan trọng nhất là lạm phát và tăng trưởng gắn với việc làm.

Có một mốc thời điểm mà ông Tuyển cho rằng có thể so sánh được với 2012 đó là 2009.  Ba năm trước, kinh tế thế thế giới khó hơn 2012, còn Việt Nam thì năm nay doanh nghiệp khó hơn 2009. Vì ba năm trước, doanh nghiệp còn có nguồn lực từ tăng trưởng các năm 2005 - 2007, hơn nữa còn có gói kích cầu và lãi suất tín dụng ở mức vẫn thấp.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhìn từ lịch sử và logic thì sau khi thắt chặt tiền tệ, năm sau bao giờ cũng đều tăng trưởng giảm.

Về CPI, ông Tuyển cho hay có ý kiến nhận định con số này chỉ ở mức 6%, còn theo ông thì lạm phát một con số là hoàn toàn có khả năng. Nhưng không nên hăng hái đưa xuống 6% mà nên ở ở mức 8% để đảm bảo tăng trưởng hợp lý.

Muốn tăng trưởng hợp lý, lộ trình là từ tháng 3 -5 giải quyết mối quan hệ giữa thanh khoản và lạm phát, theo yêu cầu kiềm chế lạm phát.  Và sau khi giải quyết cơ bản mối quan hệ này thì giải quyết mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng theo nghĩa kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, để đảm bảo tăng trưởng không thấp hơn 6%, là mức mà ông Tuyển nhấn mạnh là “hoàn toàn chấp nhận được”.

Cùng là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia với ông Trương Đình Tuyển, song quan điểm của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên là trong năm 2012 phải phấn đấu giảm lạm phát xuống chắc chắn 6 - 7 %.

Còn mục tiêu tăng trưởng đương nhiên không phải là mục tiêu ưu tiên, nhưng không phải là “không ưu tiên” ở cấp độ “thông thường” như mấy năm nay mà phải là “không ưu tiên” với lập trường kiên định.

Với mức độ đậm đặc của tính từ đặc biệt khi nói về mức độ khó khăn của nền kinh tế 2012, một số ý kiến nhận xét vui rằng Viện trưởng Thiên dễ bị cảm xúc chi phối, và khẳng định là những lập luận về “tình hình cực kỳ nghiêm trọng” của ông Thiên chưa đủ để “hù dọa” họ.

Đồng tình với quan điểm nhận xét năm nay dư địa chính sách để chống lạm phát và ổn định vĩ mô bị thu hẹp đáng kể của Viện trưởng Thiên chưa hoàn toàn xác đáng, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mới qua một quý thì chưa thể nói cả năm.

“Nói như anh Thiên là chúng ta bất lực rồi, chúng tôi không tin”, TS. Lưu Bích Hồ nói.

Về hai chuyện mà theo ông là “tương đối phức tạp’ là lạm phát và tăng trưởng, ông cho rằng lạm phát dứt khoát là một con số, 9% là tốt rồi, GDP nếu không được 5,8% thì trên 5,5% cũng được, chứ không có vấn đề gì đến nỗi”.

Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát thế nào, theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là bài toán không đơn giản. Điều mà vị chuyên gia này đặc biệt lưu ý là  CPI giảm dần nhưng không phải do chi phí giảm mà do sức mua giảm là chính, “mà cái giảm này là cực kỳ nguy hiểm”.

Nhiều dự báo GDP tăng từ 5,6 – 5,8% là có thể chấp nhận được, nhưng CPI ở mức nào?  sức mua giảm như hiện nay là dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế, đây là vấn đề quan trọng cần phải xử lý, ông Lịch nêu quan điểm.

Như vậy, có thể nói, niềm tin rằng sau nhiều năm “ngất ngưởng”, lạm phát lui về một con số có vẻ đã khá chắc chắn. Và cũng không quá khó hiểu khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ở phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/4 vừa qua đã quả quyết “lạm phát nên ở mức 8 -9%, còn tăng trưởng ở mức 5,5% là hài hòa”.

Nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói ngay rằng tại thời điểm hiện nay mà đã xác định tăng trưởng dưới 6% “thì không được”.

Điều mà Chủ tịch cũng như không ít chuyên gia khác đặc biệt nhấn mạnh là giảm lạm phát song tăng trưởng phải ở mức hợp lý để đảm bảo an sinh.

Vẫn nhìn ở mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, câu hỏi đã từng được đặt ra là tăng trưởng để làm gì khi mà lạm phát luôn cao ngất ngưởng? Song theo phân tích của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thì nếu lạm phát tiếp tục ở mức dưới 0,1% như tháng 4 thì “không ai làm ăn được gì cả” và nếu xuống thấp hơn chút nữa thì sẽ mất cân đối cung cầu hàng hóa.

“Cung mà thiếu thì có bao nhiêu tiền trong nhà cũng không tiêu nổi. Giá lên ta không sợ bằng không có cái mà ăn”, Chủ tịch nói.

Đặt trong tổng thể quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mà 2012 mới là bước khởi đầu, không ít vị đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, nếu cả hai năm 2001 và 2012 đều không chạm mốc tăng trưởng 6% thì chỉ tiêu tăng GDP khoảng 6,5 - 7% cho giai đoạn 2011 - 2015 liệu có thể thành hiện thực?

Một “lời giải khéo” cho bài toán khó của kinh tế 2012 dù đã được đề cập ít nhiều, song cả các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế đều cho rằng, còn hơi sớm để có thể điều chỉnh chính sách. Mà hãy chờ đến tháng 5, khi các con số "biết nói" nhiều hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng nói rằng, nếu đến tháng 5 thấy rõ tình hình là nếu giữ tăng trưởng 6% mà lạm phát trên 10% thì “đồng tình là đưa tăng trưởng dưới 6% cũng được”.