16:15 17/12/2009

Cho vay kinh doanh cổ phiếu: Mở hay đóng?

Nguyên Bình

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 4 dự án luật - Ảnh: TTXVN.
Tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 4 dự án luật - Ảnh: TTXVN.
Có cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay kinh doanh cổ phiếu hay không vẫn đang là vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sáng 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận một số vấn đề lớn của dự luật này.

Không điều chỉnh hoạt động repo và ký quỹ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, các vấn đề được ủy ban và cơ quan soạn thảo thống nhất giải trình, tiếp thu bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; quản trị, điều hành; giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài…

Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị dự thảo luật không điều chỉnh hoạt động ngân hàng của các công ty chứng khoán. Vì, dự luật đưa ra quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng nên các công ty chứng khoán sẽ phải chấm dứt một số dịch vụ gắn với thị trường khoán.

Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo cho rằng, hiện nay các công ty chứng khoán đang thực hiện một số dịch vụ ngân hàng như giao dịch ký quỹ, repo chứng khoán. Trung tâm lưu ký chứng khoán thực hiện dịch vụ than toán bù trừ chứng khoán nhằm hỗ trợ đối với hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán.

Đây là những hoạt động đã được điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán. Do đó, hai cơ quan thống nhất điều chỉnh phạm vi điều chỉnh của luật theo hướng không điều chỉnh hoạt động giao dịch ký quỹ, repo chứng khoán và các sản phẩm tín dụng khác thuộc hoạt động của các công ty chứng khoán, hoạt động thanh toán bù trừ của trung tâm lưu ký chứng khoán.

Không cho vay kinh doanh chứng khoán?

Một trong các vấn đề cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau qua nhiều lần bàn thảo liên quan đến cho vay kinh doanh chứng khoán.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu, nhiều ý kiến đề nghị cho phép ngân hàng nước ngoài cho vay để đầu tư chứng khoán dài hạn. Đồng thời, nên có những cơ chế, chính sách phù hợp để cho các chi nhánh cũng như ngân hàng nước ngoài tăng cường cho vay đầu tư chứng khoán dài hạn.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, cơ quan soạn thảo vẫn đề nghị giữ nguyên như dự thảo là không cho ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Vì, mức độ rủi ro rất lớn, có thể gây mất an toàn đối với từng tổ chức tín dụng và toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng. Việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn từ dân cư để cho vay kinh doanh, đầu tư cổ phiếu có mức độ rủi ro cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

Nhất trí không cho phép cho vay để đầu tư cổ phiếu. Song, thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay kinh doanh cổ phiếu là quá chặt chẽ. Nếu quy định này có hiệu lực sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo quan điểm của ủy ban này, thực chất, cho vay kinh doanh chứng khoán là loại hình cho vay ngắn hạn, mang tính thương mại đơn thuần. Do vậy, nên cho phép các ngân hàng thương mại cho vay kinh doanh cổ phiếu.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, Ủy ban này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải định ra các điều kiện, các giới hạn mà các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay vào hoạt động này.

“Quy định làm sao để tránh rủi ro nhưng vẫn phải tạo điều kiện để tổ chức tín dụng hoạt động theo thông lệ quốc tế “, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nhấn mạnh.

Phần thảo luận, nhiều ý kiến nhấn mạnh các quy định tại dự thảo luật phải coi trọng việc đảm bảo an toàn của cả hệ thống ngân hàng. Do đó từ việc cho vay kinh doanh chứng khoán đến công bố thông tin đều phải hết sức thận trọng.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý, cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản là vấn đề hết sức nhạy cảm. Nên cần phải cân nhắc kỹ để tránh tạo thành “bong bóng” như dư luận vẫn lo ngại.

“Không nên quy định cứng quá nhưng phải kiểm soát được thị trường. Khi ngân hàng đi vay để cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản thì phải quy định hết sức là thận trọng”, Phó chủ tịch nói.