19:00 30/03/2015

“Chống khủng bố” làm nóng diễn đàn IPU 132

Nguyễn Lê

Nhiều nghị sỹ nhấn mạnh khủng bố đã trở thành “từ khóa” ám ảnh với không ít quốc gia

Phố phường Hà Nội được trang hoàng chào đón IPU 132 - Ảnh: Hải Quan.<br>
Phố phường Hà Nội được trang hoàng chào đón IPU 132 - Ảnh: Hải Quan.<br>
Phiên họp tại Hà Nội của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU 132) sáng 30/3 đã tiến hành thảo luận về chủ đề khẩn cấp với nhiều vấn đề nóng.

Trước đó, trong phiên họp ngày 29/3, Đại hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu để lựa chọn chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự của IPU 132.

Theo đó, chủ đề  liên quan đến vai trò của nghị viện trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố chống thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đã đạt hơn 2/3 số phiếu ủng hộ và được chọn làm chủ đề khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự.

Ở phiên thảo luận sáng nay, một số điểm nóng của khủng bố được nhắc đến nhiều như Nigeria với nhóm khủng bố khét tiếng Boko Haram, các hoạt động xung đột ở Afghanistan hay xung đột giữa Nga - Ukraina.

Nhiều vị đại biểu nhấn mạnh, khủng bố đã trở thành “từ khóa” ám ảnh với không ít quốc gia, tạo ra một hiệu ứng domino khó lường mà nạn nhân là những người dân thường, phụ nữ, trẻ em, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội cho không ít quốc gia hiện nay.

Một số con số cụ thể cũng được nêu, như tại Syria, tỉ lệ trẻ em thất học từ độ tuổi 6 - 11 tuổi đã lên đến 50% , đây là một tỉ lệ đáng báo động. Hay tại Nigeria, riêng trong năm 2014, đã có hơn 200 trẻ em gái bị hãm hiếp bởi nhóm phiến quân tàn ác Boko Haram.

Nghị sĩ  Richard Msowoya (Malawi) cho rằng các quốc gia cần có sự hợp tác, đoàn kết chặt chẽ với nhau để chống lại hành động dã man của nhóm Hồi giáo Boko Haram, đặc biệt ngăn chặn triệt để các nguồn tài trợ cho hành động khủng bố, đưa ra các điều luật chống khủng bố.

Nữ nghị sĩ Marcela Guema (Mexico) cũng nhấn mạnh việc tìm hiểu những tổ chức đứng đằng sau các nhóm khủng bố.

Nữ nghị sỹ nói, nhân cơ hội này, chúng ta hãy suy nghĩ, nguồn tiền nào đứng đằng sau tổ chức này, tiền ở đâu ra để tài trợ cho các mạng lưới này, khi chúng ngày càng bành trướng gây ra các tội ác nghiêm trọng.

Bà Marcela Guema đề nghị cần có những chiến lược toàn diện, chín muồi, giải quyết các nguyên nhân sâu xa về kinh tế, xã hội. cần có những chính sách toàn diện và rộng mở để giải quyết các vấn đề liên quan đên chống khủng bố.

“Tôi đề nghị quốc gia nào là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố cần đoàn kết với nhau, phải hiểu vấn đề và không được phép quên rằng khủng bố xem tôn giáo chỉ là cái cớ, tôn giáo không phải là nguyên nhân của khủng bố”, một nữ nghị sĩ khác, bà Shukola (Afghanistan) phát biểu.

Cùng quan tâm đến các giải pháp hữu hiệu để chống khủng bố, một số vị cho rằng ngay tại diễn đàn IPU 132 cần phải nỗ lực trao đổi để đi đến giải pháp cụ thể và các nước cần hợp tác với nhau để chống lại khủng bố cũng như cần hợp tác để ngăn chặn nguồn tiền tài trợ cho khủng bố.

Vai trò của Quốc hội trong việc xây dưng pháp luật để chống khủng bố cũng là nội dung được các nghị sỹ đề cập và bàn thảo.

Theo chương trình nghị sự, chiều 31/3, Đại hội đồng sẽ thông qua nghị quyết về chủ đề khẩn cấp.