19:11 18/10/2012

Chủ tịch nước tiếp xúc các cử tri Tp.HCM

Hoàng Giang

Ngày 18/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội Tp.HCM đã tiếp xúc với 300 đại biểu đại diện cử tri

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri quận 4, Tp.HCM ngày 18/10 - Ảnh: TT.<br>
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri quận 4, Tp.HCM ngày 18/10 - Ảnh: TT.<br>
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 18/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội Tp.HCM, đơn vị 1, đã tiếp xúc với 300 đại biểu đại diện cử tri 15 phường thuộc quận 4.

Tại đây, nhiều cử tri tiếp tục đề cập đến những bất cập tồn tại như tình trạng tham nhũng, bất cập trong quản lý giáo dục; nạn chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm, thực hiện chính sách với người có công, giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng, chất lượng đầu tư công, tình hình bảo vệ chủ quyền quốc gia, văn hóa từ nhiệm đối với các vị trí lãnh đạo, kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình tại hội nghị Trung ương 6.

Kiến nghị tiếp nối bày tỏ

Nhắc lại lời nói của tiền nhân “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, ông Cao Ngọc Lân, cử tri phường 16 bày tỏ bức xúc khi nhiều năm qua, dù đã cải sửa nhưng chế độ chính sách dành cho giáo viên còn thấp. Năm nào cũng vậy, khi tiền thưởng các doanh nghiệp dành cho nhân viên lên đến hàng chục triệu đồng, thì các giáo viên chỉ được nhận vài trăm nghìn đồng.

Ông Lân cho rằng, lương giáo viên phải trả theo quy luật cung-cầu, cho dù Nhà nước, hay xã hội trả cũng đều cần xứng đáng. Với mức lương thấp như hiện nay, giáo viên buộc phải làm thêm giờ, dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm. Ông đề đạt, để thoát khỏi cơ chế bao cấp trong ngành giáo dục, cần phải có giải pháp chống tham nhũng trong chạy chức quyền. Nhà nước cần tổ chức thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo quản lý, từ cấp hiệu trưởng, đến cao hơn.

Cử tri Võ Đức Kháng, phường 15 cảnh báo về hậu quả thủy điện. Ông gay gắt phê bình, miền Trung từ nhiều năm qua trở thành “điểm đến” của nhà đầu tư thủy điện. Có con sông "gánh" đến sáu công trình thủy điện làm theo kiểu bậc thang. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp sẵn sàng cho tích nước khi công trình chưa đạt tiêu chuẩn, dẫn đến vỡ đập, gây hậu quả cho người dân.

Với cử tri Nguyễn Văn Chay, trú phường 4, việc cần thiết lúc này là phải lấy lại lòng tin của dân, bởi niềm tin yêu của quần chúng với cán bộ lãnh đạo đang sa sút. Ông đề nghị Đảng, Nhà nước có hình thức ghi nhận về danh hiệu, về chế độ chính sách với những người tù kiên trung, đi đầu trong phong trào đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc. Ông nêu rõ, mỗi lần nghiêm túc kiểm điểm, Đảng lại thêm phần vững mạnh. Ông chia sẻ với hình ảnh ưu tư, trăn trở của Tổng Bí thư khi đọc lời thông báo trước quốc dân, đồng bào, đồng thời mong muốn phải làm sao để nỗi niềm đó lay động và trở thành quyết tâm thực hiện trong toàn Đảng.

Cử tri Võ Thanh Thảo, phường 4, nêu quan ngại về tình hình chủ quyền biển Đông. Ông khẳng định nhiệt huyết của đông đảo người dân, một lòng hướng về đất nước, một khi liên quan vận mệnh. Ông nhấn mạnh, trước tình trạng điện, nước, xăng, dầu tăng giá, dịch vụ y tế xuống cấp, dịch bệnh tăng, nên chăng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng vận động những người đứng đầu các cơ quan hành chính liên quan từ chức, xem đó là biểu hiện dân chủ trong đời sống chính trị.

Dù nhắc lại những ý kiến của cử tri quận 1, quận 3 từng nêu trước đó một ngày, nhưng những nội dung phát biểu của cử tri Dương Xuân Biểu (phường 6) về dư âm hội nghị Trung ương 6 vẫn được đông đảo cử tri ủng hộ, lắng nghe.

Ông đặt câu hỏi, trách nhiệm của những người đứng đầu đặt ở đâu, khi nhiều vụ việc gây bức xúc vẫn chưa được làm đến đến chốn. Không chỉ có những Vinashin, Vinalines tai tiếng, mà ngay đến những “tác giả” của hành động phá nhà dân tại vụ cưỡng chế Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng chưa thấy bị xử lý.

Đồng quan điểm đó, cử tri Phạm Đình Toàn, bổ sung chi tiết: có những công trình sai phạm ảnh hưởng đến cả uy tín quốc tế của Việt Nam, xảy ra ngay tại thành phố này, nhưng việc xử lý vẫn chưa nghiêm.

Ông tâm sự, đọc báo nghe đài thấy nơi này, nơi khác, có những dự án cả trăm tỷ đồng xây dựng đền thờ, khu tưởng niệm. Điều đó cũng đúng thôi. Nhưng nếu dân còn chưa được sung túc, ấm no, nên chăng tập trung vào những việc thiết thực.

Ông cũng băn khoăn về việc chưa nêu rõ danh tính của một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị trong thông báo nội dung kiểm điểm hội nghị Trung ương 6. Ông nói, muốn dân đóng góp ý kiến xây dựng đảng, thì phải có địa chỉ chính xác; đề nghị nên công khai để dân biết và giám sát. Nếu chỉ chung chung, việc kiểm điểm tại Tỉnh ủy, Thành ủy có thể lặp lại tiền lệ.

Thẳng thắn nhận trách nhiệm

Đáp ứng quan tâm của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành nhiều thời gian để trao đổi về hầu hết những vấn đề cử tri trao đổi. Tâm đắc với vấn đề “văn hóa từ nhiệm” mà các cử tri đề cập, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, Quốc hội sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Mỗi vị trí lãnh đạo, kể cả chức danh Chủ tịch nước đều phải rất thẳng thắn, cùng xem xét mức độ tín nhiệm trước dân như thế nào? “Nếu tín nhiệm thấp, tôi sẵn sàng từ chức,” Chủ tịch nước bày tỏ.

Về các nội dung liên quan đến đường lối đối ngoại, bảo vệ chủ quyền của đất nước, Chủ tịch nước cho rằng những nội dung này không mới đã từng được giải đáp trong những lần tiếp xúc trước đây, nhưng một khi nêu ra, Chủ tịch nước vẫn đáp ứng. Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm và quan điểm Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tiến hành thường xuyên, kết hợp cả đối nội đối ngoại.

Chủ tịch nước dẫn giải, công cuộc phát triển kinh tế ở biển Đông được tiến hành như thế nào, mọi người đều rõ. Luật Biển đã được Quốc hội thông qua như thế nào, cử tri đều biết. Khi hệ thống pháp luật xác lập chủ quyền biển đã xây dựng, thì có phải “nhu nhược” hay không? Chủ tịch nước nhấn mạnh, “trị quốc” phải bình tĩnh, tâm nóng nhưng đầu phải lạnh. Quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực tiếp tục tăng cường, những gì gây phương hại thì sẽ cùng trao đổi.

Khẳng định việc phòng chống tham nhũng đang được làm kiên quyết, Chủ tịch nước nêu rõ, dù Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có đạt kết quả nhất định nhưng mức độ tham nhũng vẫn nghiêm trọng. Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Đảng, thành lập lại Ban Nội chính Trung ương sẽ tạo được chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ.

Với những kiến nghị của cử tri liên quan đến hội nghị Trung ương 6, Chủ tịch nước khẳng định những nội dung liên quan đã được trả lời tại nội dung tiếp xúc cử tri tại quận 1 và quận 3, không cần nhắc lại. Chủ tịch nước đề nghị, những gì người dân chưa rõ xin mời phản ánh đến Bộ Chính trị. Về danh tính của cá nhân đồng chí trong Bộ Chính trị, tới đây cũng được chuyển đến cử tri để biết rõ, không giấu diếm.

Về câu chuyện một số địa phương chú trọng các những dự án đền thờ, nhà tưởng niệm, Chủ tịch nước cho rằng ý kiến nêu ra hoàn toàn xác đáng. Bộ Chính trị đã lưu tâm về vấn đề này, và sẽ xem xét với các trường hợp cụ thể.

Chủ tịch cũng trao đổi thẳng thắn với cử tri về chính sách của Đảng, Nhà nước với những người có công, khẳng định với những cống hiến của cựu cựu tù chính trị, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận và tôn vinh xứng đáng. Chủ tịch cũng mong các trường hợp chính sách cân nhắc khi nêu ra những yêu cầu về đãi ngộ, vì để có thêm phần đãi ngộ đó, người dân sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, trong khi mục đích đấu tranh của những người cách mạng là lo cho cuộc sống người dân thêm phần no ấm.

Cám ơn chính quyền phường, quận đã chu đáo bố trí không gian cuộc tiếp xúc tại khán phòng của một địa điểm sang trọng, Chủ tịch nước cũng căn dặn Ban tổ chức nên tìm địa điểm phù hợp với tinh thần của cuộc gặp gỡ người dân hơn.

Cũng tại buổi tiếp xúc, trước đoàn đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 4, Tp.HCM đã trả lời tại chỗ những kiến nghị của người dân liên quan đến đền bù giải tỏa mặt bằng, xét chọn gia đình chính sách, nhận rõ trách nhiệm xử lý của quận.

(Nguồn: TTXVN)