14:05 24/08/2015

Chủ tịch Quốc hội: “Không nên bàn chuyện đuổi dân về”

Nguyên Vũ

Ý kiến trái chiều về quy định tòa án không được từ chối yêu cầu xử án dân sự vì lý do chưa có luật

Theo Chủ tịch Quốc hội (giữa), việc dân sự cốt ở hai bên nên dân không cần kêu Nhà nước là tốt nhất, nhưng khi đã không tự giải quyết được thì mới kêu Nhà nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội (giữa), việc dân sự cốt ở hai bên nên dân không cần kêu Nhà nước là tốt nhất, nhưng khi đã không tự giải quyết được thì mới kêu Nhà nước.
“Không nên bàn chuyện đuổi dân về”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mạnh mẽ thể hiện quan điểm, sau khi nghe các ý kiến trái chiều về quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Đây cũng là nội dung được tranh luận sôi nổi nhất khi các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi), sáng 24/8.

Dân nào nghe cũng thích

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự.

Cho rằng đã đến lúc nên gút lại vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) nhấn mạnh là dân không thể chấp nhận được việc thẩm phán từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Tuy nhiên, lo ngại nếu không cẩn thận thì quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng sẽ lại là bước lùi trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh quy định “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Nếu quy định như vậy thì bây giờ không chỉ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật mà còn theo phong tục, tập quán, ông Nhã bình luận.

“Thả ra thế thì nhiều hệ lụy rất khó xử lý. Nếu cứ cứ giữ quy định này thì đề nghị thành lập một tòa kiểu như tòa án Hiến pháp để xử những vấn đề ngoài luật, xét xong thì thành án lệ và án lệ thì thành luật, nếu không thì không nên đưa quy định đó vào luật”, ông Nhã đề nghị.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào nói xem sẽ có hệ lụy gì và có thể giải quyết được hay không.

Do điều kiện pháp luật chưa quy định và chưa lường hết được, người ta đến cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu xử ta lại từ chối thì người người ta tự xử sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và tòa án không thực hiện được quyền tư pháp, ông Hào nói.

Về băn khoăn có luật mà xử còn sai, không có luật thì xử thế nào của một số vị đại biểu, ông Hào giải thích sẽ áp dụng tập quán, áp dụng nguyên tắc tương tự. Và tập quán được áp dụng là đã được cộng đồng dân cư ở đó thừa nhận,

Ngyên tắc tương tự là có sự việc gần như nhau còn kể cả nguyên tắc tương tự không có thì cũng án lệ cũng đang được tập hợp. Quy định như vậy là tòa án nhận trách nhiệm nặng nề về mình nhưng bảo vệ công lý thì ko thể nào từ chối được việc này, Phó chánh án nói.

Nói tòa án không được từ chối yêu cầu của dân thì người dân nào nghe cũng thích nhưng đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng quy định này trái với tư tưởng nhà nước pháp quyền.

Dân kêu sao Nhà nước lại từ chối?

Chủ tịch Quốc hội cũng tham gia thảo luận. Nhân dân đặt ra Nhà nước là để giải quyết việc của dân, dân kêu sao mình lại từ chối, ông nói.

Tất nhiên, theo ông, việc dân sự cốt ở hai bên nên dân không cần kêu Nhà nước là tốt nhất, nhưng khi đã không tự giải quyết được thì mới kêu Nhà nước. “Thế mà khi dân đến lại bảo tôi chưa có điều luật nào quy định cả, ông đi về đi tự giải quyết, nói thế có được không?”, Chủ tịch lập luận.

“Hiến pháp đã giao cho tòa án thực hiện quyền tư pháp, vậy mà Nhà nước lại đuổi dân về dân tự giải quyết với nhau, không nên bàn chuyện đuổi dân về”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Cho rằng lập luận của một số vị đai biểu là cứng nhắc, ông hỏi: “Nói sống làm việc theo pháp luật có nghĩa là tôi không giải quyết tranh chấp được thì Nhà nước phải có chỗ cho tôi đến, nếu không tôi không đến mà tôi tự xử ông kia, tức là không coi luật pháp và Hiến pháp là gì nữa, thì các đồng chí chọn cách nào?”.

Thêm một lần nhấn mạnh hiến định trao quyền tư pháp cho tòa án, Chủ tịch nói, “nhân dân đồng lòng lập ra Hiến pháp, giao cho anh quyền tư pháp mà anh lại từ chối. Hiến pháp quy định là Nhà nước không được từ chối yêu cầu của dân”.

Ông cũng đồng tình với ý kiến của các vị khác là vấn đề phải xử sao cho công bằng, xử cho đúng khi không có điều luật để áp dụng.

Tham gia giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nói quan điểm thì trái ngược nhưng chân lý chỉ có một. Ông Khanh đề xuất với các vụ án chưa có điều luật để áp dụng thì trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành nghị quyết hoặc pháp lệnh để dưới xử.
 
“Không có lý gì giao cho một thẩm phán làm luật thay cho Quốc hội, nếu một tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần không đủ thì họp hai lần. Thực tế xét xử có luật rồi còn sai, qua ba cấp còn sai thì chờ làm sao được lẽ công bằng, chưa kể nén bạc đâm toạc tờ giấy”, ông Khanh nói.