14:48 30/09/2009

Chưa nên giám sát tối cao về kích cầu

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2010

Đất đai là một trong những lĩnh vực được nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện giám sát tối cao.
Đất đai là một trong những lĩnh vực được nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần thực hiện giám sát tối cao.
Mặc dù được nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, song tất cả các ý kiến thảo luận tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 30/9 đều cho rằng Quốc hội chưa nên giám sát tối cao về kích cầu.

Một số vấn đề lớn của giáo dục đại học, cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài…nằm trong nội dung đang được cân nhắc đưa vào dự kiến chương trình giám sát năm 2010, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.

Cần, nhưng khó

Hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ là một trong bốn nội dung được Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để Quốc hội giám sát trong năm 2010.

Ba nội dung khác gồm có việc thực hiện chính sách pháp luật về: quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai; đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội từ năm 2006 -2010.

Tuy còn có nhiều tranh cãi, song ba nội dung này đều được các ý kiến thảo luận cân nhắc, lựa chọn đề nghị xem xét đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Riêng nội dung liên quan đến kích cầu được cho là rất khó thực hiện.

Mở đầu phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phát biểu, chính sách kích cầu đã có kết quả đâu mà giám sát? Đâu phải cứ “kích” là thấy "cầu" ngay, chưa thể giám sát được, ông Thuận nói.

Giám sát kích cầu thì rất cần nhưng khó có con số cụ thể, Chủ nhiệm Ủy  ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ quan điểm.

Còn Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thì băn khoăn về căn cứ pháp luật để giám sát kích cầu. Dẫn ra một số ví dụ trước đây, vị đại biểu này lo ngại “Không khéo Quốc hội lại làm thay vai trò của Thanh tra Chính phủ”.

Chất lượng hơn số lượng

Ngoài những đề xuất của Văn phòng Quốc hội, còn rất nhiều vấn đề khác được coi là đang rất bức xúc được các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình giám sát của năm tới.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực từ hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua, song nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không nên chạy theo số lượng, mà mỗi kỳ họp chỉ nên giám sát một chuyên đề.

Khắc phục những hạn chế ngay từ việc lựa chọn vấn đề đến cách thức tổ chức thực hiện cũng là nội dung được thảo luận sôi nổi.

Một trong những vấn đề cần được khắc phục trong giám sát chuyên đề được Văn phòng Quốc hội nêu ra là hoạt động này cơ bản vẫn còn dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát. Từ đó, thông tin nhận được chưa thật khách quan, đầy đủ, việc theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát còn hạn chế.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ ra một thực tế, lâu nay các báo cáo của bộ ngành Trung ương rất sơ sài, nặng về thành tích. Vì thế cần thực hiện giám sát ở các địa phương để có các “chứng cứ sống” của việc chấp hành chính sách pháp luật, tránh tình trạng giám sát chung chung.

Năm 2010 không giám sát về kinh tế mà tập trung vào văn hóa, xã hội, Phó chủ tịch đề nghị. Hai chuyên đề cần thực hiện giám sát tối cao, theo ông Kiên, là việc thực hiện pháp luật trong đào tạo đại học và sau đại học; việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quan hệ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc thực thi pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; việc thực hiện pháp luật về đầu tư phân cấp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.