23:02 18/09/2012

Chuyến “về quê” bận rộn của Philipp Rosler

Hoài Ngân

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức có chuyến công du với nhiều cảm xúc tại đất nước ông được sinh ra

Chính khách có gốc gác Việt Nam này từng thừa nhận sự liên hệ "hạn chế" với đất nước từng sinh ra ông, tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông cho biết mình có những cảm xúc đặc biệt - Ảnh: Reuters.
Chính khách có gốc gác Việt Nam này từng thừa nhận sự liên hệ "hạn chế" với đất nước từng sinh ra ông, tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông cho biết mình có những cảm xúc đặc biệt - Ảnh: Reuters.
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Rosler có những ý nghĩa vượt khỏi khuôn khổ của một hoạt động ngoại giao đơn thuần.

Xét trên phương diện kinh tế, chuyến thăm từ ngày 17 - 19/9 của ông Rosler khá bận rộn với nhiều sự kiện quan trọng. Tháp tùng ông là một phái đoàn lớn gồm 80 doanh nghiệp Đức, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hai bên đã thống nhất thành lập tổ công tác bàn về các dự án theo mô hình đối tác công tư (PPP) trong tương lai tại Việt Nam. Tổ công tác này gồm đại diện phía Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đại diện phía Đức là Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Thậm chí, hai bên đã bày tỏ ý định tiến hành một dự án cụ thể và từ đó sẽ biến thành một mô hình chung của các dự án PPP trong tương lai trong các lĩnh vực khác ở Việt Nam.

Ông Rosler cũng cho biết Đức sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm về lĩnh vực năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Đức là nước có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này với bằng chứng là mức độ năng lượng tái tạo chiếm từ 20-25% tổng số năng lượng được sử dụng tại Đức.

"Chúng tôi nắm được quyết tâm nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong toàn bộ nguồn năng lượng của Việt Nam, vì thế Đức sẽ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này", ông cho biết.

Một trong những hoạt động thu hút sự chú ý là việc tổ chức Diễn đàn Đối thoại Việt - Đức, nơi có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Đức. Qua hai phiên thảo luận với chủ đề “Môi trường đầu tư tại Việt Nam và Đức” và “Phát triển hạ tầng sáng tạo: Tập trung về cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng”, hàng loạt vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đã được đưa ra thảo luận.

Bộ trưởng Philipp Rosler cũng chứng kiến lễ ký kết hai văn bản quan trọng giữa hai bên. Thứ nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Tiết kiệm cho vay nhà Schwaabisch (BSH) về việc đưa mô hình quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở đã được triển khai thành công tại Đức và một số quốc gia khác vào áp dụng tại Việt Nam.

Văn bản quan trọng thứ hai là hợp đồng sản xuất xe buýt mẫu, được ký kết giữa Vinamotor và công ty Siemens Vietnam.

Cảm xúc đặc biệt

Chính khách có gốc gác Việt Nam này từng thừa nhận sự liên hệ "hạn chế" với đất nước nơi sinh ra ông, tuy nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông cho biết mình có những cảm xúc đặc biệt.

“Sáu năm trước, tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên, và lúc đó tôi không nghĩ lần này sẽ trở lại Việt Nam với tư cách là một Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng. Việt Nam có nhiều thay đổi sau 6 năm, nhưng có một đặc tính không thay đổi đó là người Việt Nam chăm chỉ và năng động. Và điều đó thể hiện rất rõ cả ở những người Đức gốc Việt như tôi”, ông nói trước đông đảo sinh viên tại cuộc giao lưu tổ chức chiều ngày 18/9.

Trước đó, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông nói rằng tài sản lớn nhất của người Việt chính là nguồn nhân lực dồi dào và ông đánh giá rất cao mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Đức nếu xét trên phương diện nguồn lực con người.

Việt Nam có tới 70 ngàn người từng học tập và làm việc tại Đức, nơi có nền giáo dục tốt, và đó là nguồn vốn quý để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên

“Tôi cũng sẽ không được đứng ở đây nếu bố mẹ nuôi tôi không cho tôi ăn học tử tế”, ông nói, nhấn mạnh rằng việc coi trọng lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ tạo cơ sở cho Việt Nam phát triển dài hạn.

Nhưng cho dù có nhiều cảm xúc với chuyến đi của mình, ông cũng nhấn mạnh đến mục tiêu ngoại giao của chuyến thăm. “Việt Nam đã tạo ra khuôn mặt tôi, làm tôi nhớ lại chính nơi đã sinh ra tôi. Nhưng tôi nghĩ tôi không nên chỉ nhớ về đất nước đã sinh ra mình, mà phải hướng tới mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam”.

* Ông Philipp Rosler sinh ngày 24/2/1973 tại Sóc Trăng và được nuôi tại trại trẻ mồ côi Công giáo La Mã gần Sài Gòn. Khi được chín tháng tuổi, ông được một cặp vợ chồng người Đức vốn đã có hai con gái nhận nuôi. Sau khi cha mẹ nuôi ly thân năm ông được bốn tuổi, ông được một quân nhân Đức nhận nuôi dưỡng.

Ông tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1992 và theo học y khoa tại trường y tế Hannover và được đào tạo để trở thành một bác sĩ quân y. Năm 2002, ông trở thành tiến sĩ trong phẫu thuật tim mạch lồng ngực. Năm 2003, ông rời quân ngũ và trở thành bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật. Đồng thời năm đó, ông kết hôn với vợ cũng là một bác sĩ và có hai bé gái song sinh năm 2008.

Philipp Rosler tham gia chính trị từ năm 1992 và trải qua nhiều trọng trách quan trọng của bang Niedersachsen và CHLB Đức. Năm 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Lao động và Giao thông kiêm Phó thủ hiến bang Niedersachsen. Từ năm 2009-2011, ông là Bộ trưởng Bộ Y tế Đức. Ngày 13/5/2011, tại Đại hội Đảng FDP, ông Philipp Rosler được bầu làm Chủ tịch Đảng FDP và sau đó được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức.