18:33 30/08/2016

“Có biện pháp giữ các thương hiệu quốc gia sau khi bán vốn Nhà nước”

Ngô Trang

Thường trực Chính phủ họp về bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Thủ tướng cho rằng, việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là vấn đề đang được xã hội, người dân hết sức quan tâm.
Thủ tướng cho rằng, việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là vấn đề đang được xã hội, người dân hết sức quan tâm.
“Khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn”.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chiều 29/8.

Công khai, minh bạch

Một trong những nội dung chính được Chính phủ bàn thảo tại cuộc họp là chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề đang được xã hội, người dân hết sức quan tâm. Trong đó, Sabeco, Habeco là những doanh nghiệp lớn, đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Phần vốn Nhà nước tại Vinamilk dù chỉ còn dưới 50%, nhưng có giá trị rất lớn.

Thủ tướng cũng lưu ý các nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên và trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bán vốn Nhà nước nói chung.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Lấy ví dụ về việc đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên tại Hà Nội đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm 122 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt những quan điểm rất rõ ràng nói trên, thực hiện cho được quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực.

“Các bộ, cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc chủ trương này trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước”, Thủ tướng chỉ rõ.

Chống thất thoát vốn

Với việc bán vốn Nhà nước tại Vinamilk và các doanh nghiệp khác mà SCIC làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Các bộ ngành, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp giám sát chặt chẽ SCIC, tìm kiếm cơ hội tốt nhất để bán được với giá cao nhất, chống thất thoát vốn Nhà nước, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng chỉ rõ, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho Nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn Nhà nước.

“Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn”, Thủ tướng lưu ý.

Sau cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Công Thương trên cơ sở các quy định hiện hành, các ý kiến bộ, ngành, các ý kiến của Thường trực Chính phủ, xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco, Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác. Thủ tướng cũng giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giám sát quá trình này.