21:11 16/11/2016

Có hay không bổ nhiệm ồ ạt cán bộ cuối nhiệm kỳ?

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết ngày 17/11 sẽ gửi báo cáo sơ bộ về bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ cho đại biểu Nga

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn về bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ.
Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn về bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ.
Theo báo cáo sơ bộ, hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có, nhưng cần phân tích ho rõ bổ việc nhiệm lại và bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện và có quy hoạch...

Đây là thông tin trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân với chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ trong thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. 

Đại biểu cho biết bà đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đề nghị kiểm tra những phản ánh của đại biểu và cử tri về tình trạng ồ ạt bổ nhiệm cán bộ tại các bộ, ngành vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Văn phòng Chính phủ có hai công văn yêu cầu báo cáo. Tuy nhiên sau bốn 4 tháng bà Nga vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Đại biểu Nga chất vấn: có hay không tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định? Trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh tra kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và cách khắc phục? Vì sao sau 4 tháng chưa có kết quả thanh tra kiểm tra theo yêu cầu của Thủ tướng và đại biểu Quốc hội?

 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hồi âm, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Bộ có 2 báo cáo vào ngày 15/9 và 31/10 về tình hình bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Thời gian tổng hợp báo cáo là 1,5 năm từ 2015 đến hết tháng 6/2016. 

Bộ có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo nên giờ này Bộ đang tổng hợp ý kiến bộ ngành, địa phương và sẽ báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng nói.

Về câu hỏi có hay không của đại biểu Nga, Bộ trưởng cho biết, theo báo cáo sơ bộ, hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có, nhưng cần phân tích ho rõ bổ việc nhiệm lại và bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện và có quy hoạch... 

Vấn đề này cần có thời gian, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành thanh tra một số nơi cần thiết phải thanh tra công vụ và thông tin báo cáo đại biểu thời gian tới, ông Tân nói.

Bộ trưởng cũng nói thêm rằng, thời gian Bộ đã thanh tra công vụ nhiều nhưng chủ yếu về tổ chức quy chế, thi tuyển công chức, còn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là trọng tâm của năm 2017, và cần xem đây là công việc thường xuyên. 

Giơ biển tranh luận, đại biểu Lê Thị Nga nhắc lại việc bà đã gửi văn bản cách đây 4 tháng. Đại biểu đề nghị Bộ khi có báo cáo của các địa phương thì xin bộ trưởng gửi báo cáo thẳng đến người chất vấn cùng với việc Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng. 

"Tôi là người chất vấn nhưng tôi lại không nhận được báo cáo của Bộ trưởng về việc trả lời chất vấn đó", bà Nga nhấn mạnh.

Theo đại biểu, 4 tháng cũng có thể có đủ điều kiện để thanh tra tại một số đơn vị mà cử tri dư luận phản ánh là điểm nóng của bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, trong đó có cơ quan mà liên tiếp hai nhiệm kỳ có việc bổ nhiện ồ ạt.

 Tôi đề nghị bộ trưởng thanh tra ngay để trả lời cho cử tri, cho đại biểu Quốc hội, bà Nga nói.

Bộ trưởng Tân cho biết ngày 17/11 sẽ gửi báo cáo sơ bộ về bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ cho đại biểu Nga.

Sau chất vấn của đại biểu Nga, Bộ trưởng còn nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu, khi tiếp xúc cử tri nơi nào cũng được phản ánh về đề bạt bổ nhiệm, cán bộ. Có người được tặng nhiều danh hiệu nhưng sau đó tình cờ phát hiện tham nhũng nghiêm trọng.

 Nguyên nhân là gì? nếu là do quy trình  thì trách nhiệm tham mưu của Bộ như thế nào, Bộ có giải pháp gì để bổ nhiệm người tài thay vì bổ nhiệm người nhà? đại biểu chất vấn.

Thừa nhận việc thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm đề bạt đối với cán bộ trong thời gian qua còn nhiều khoảng hở, Bộ trưởng cho rằng cần nghiên cứu lại và xây dựng quy trình đề bạt, bổ nhiệm, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chuyên viên, cấp vụ đến cấp lãnh đạo và cơ quan trình. Trên cơ sở đó, sai cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm. 

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Ngô Văn Minh nhấn mạnh vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh là "tày trời" và theo ông trong vụ việc này một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm ra nhiều vi phạm như đã được kết luận.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, có bao nhiêu trường hợp được luân chuyển theo đường tiểu ngạch, không chính hiệu kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh? Văn bản nào quy định kiểu luân chuyển này và giải pháp ra sao?

Đại biểu Minh cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời rõ trách nhiệm của Bộ trong theo dõi, giám sát để Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi, rồi phải phát lệnh truy nã.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt vấn đề, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từng là đại biểu Quốc hội, được Quốc hội phê chuẩn làm bộ trưởng ở khoá trước, nay đã bị kỷ luật Đảng thì Quốc hội nên có động thái gì không?

Thời gian đã hết nên một số câu hỏi sẽ được Bộ trưởng trả lời vào sáng 17/11.