19:08 29/03/2016

Có hay không lực cản đổi mới thể chế?

Nguyên Vũ

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Trung ương Đảng, Quốc hội cần quan tâm trong lãnh đạo, giám sát vấn đề này”

Đai biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ.
Đai biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ.
Góp ý báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ tại nghị trường sáng 29/3, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, có một vấn đề bà đặc biệt quan tâm và muốn trao đổi trong diễn đàn của Quốc hội, để Quốc hội và Chính phủ cùng suy nghĩ.

Báo cáo của Chính phủ viết: nhận thức về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau, nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để phát huy, phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. 

Bà Tâm nói rõ, đây là vấn đề đã được nêu trong báo cáo Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ, và báo cáo tổng kết nhiệm kỳ lại tiếp tục nêu. 

Vị đại biểu từ Tp.HCM cho rằng nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình, và trong quá trình nhận thức đó còn có ý kiến khác nhau, còn có nhận thức ở những mức độ khác nhau, là điều dễ hiểu.

“Song, tôi nghĩ để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước trong từng giai đoạn tùy vào nhận thức của Đảng ta, Nhà nước ta ở mức độ nào, vấn đề gì đã đủ rõ thì đường lối, chính sách, thể chế được xây dựng trên cơ sở nhận thức đó, vấn đề gì chưa đủ rõ thì tiếp tục nghiên cứu để từ thực tiễn đúc kết, nâng tầm lý luận nhận thức trong phát triển”, đại biểu Tâm phân tích.

Sau đó, bà Tâm đặt vấn đề: trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Chính phủ với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của đất nước lại có tình trạng xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, như báo cáo của Chính phủ thì thật sự rất đáng lo. Bởi vì tính kỷ cương, sự đoàn kết tầm chiến lược, tư duy đổi mới được quán triệt như thế nào trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng?

“Tôi tự hỏi có lực cản nào hay do lợi ích nhóm chi phối... đã dẫn tới tình trạng đó? Và có hay không những vấn đề đủ rõ từ thực tiễn nhưng tư duy đổi mới chưa đủ mạnh mẽ, thiếu thống nhất trong nội bộ, còn do lợi ích nhóm chi phối nên không đột phá trong đổi mới thể chế, nhất là tổ chức bộ máy Nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển”, bà Tâm phát biểu trong phiên thảo luận  được truyền hình trực tiếp.

Từ thực tiễn đó, đại biểu Tâm bày tỏ mong muốn Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, với kỳ vọng của nhân dân, sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề này. 

“Trung ương Đảng, Quốc hội cần quan tâm trong lãnh đạo, giám sát vấn đề này, để không còn được nêu như một nguyên nhân. Tôi nghĩ rằng cần tìm nguyên nhân của nguyên nhân này để khắc phục”, bà Tâm đề nghị.

Bên cạnh đổi mới thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần mạnh mẽ sắp xếp lại và tinh giảm bộ máy quản lý và đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định. 

“Sắp xếp bộ máy trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định khác với việc chúng ta cứ đẻ ra bộ máy rồi Quốc hội phải chạy theo quyết định ngân sách nuôi bộ máy, đội ngũ viên chức, công chức đấy”, ông Phúc phân biệt.

Theo đại biểu Phúc thì rất cần phải lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm minh cán bộ công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói là, "nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập”.