11:34 20/05/2015

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khó về đích

Nguyên Vũ

Đề nghị xem xét trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Báo cáo của Chính phủ đã xác định: trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2015.
Báo cáo của Chính phủ đã xác định: trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2015.
Chính phủ khẳng định quyết tâm, song Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: khó có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015.

Cuối phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sáng nay (20/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2015.

Tăng trưởng chưa bền vững


Tại đây, Ủy ban Kinh tế phản ánh một số ý kiến đề nghị Chính phủ phân tích đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề như tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đó là, đánh giá tác động toàn diện hơn về công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2014, nợ xấu và những khó khăn của doanh nghiệp.

Về quý 1/2015, cơ quan thẩm tra đánh giá, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP quý 1 có mức phục hồi rõ rệt, tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu.

Lãi suất tiếp tục giảm, đến nay điều chỉnh tỷ giá tăng 2% đã sử dụng hết mục tiêu định hướng cả năm 2015, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra.

Như, tăng trưởng chưa thực sự bền vững do tác động về giá dầu thô ở mức thấp. Tăng trưởng quý 1 do yếu tố chính là đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá) trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.

Một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... được đánh giá là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước nhưng triển khai chậm chạp, gặp nhiều vướng mắc gây phiền hà và tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng miền, địa phương, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.

Một số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cũng lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015 khi 4 tháng đã nhập siêu 3 tỷ USD tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%. Trong đó có nguyên nhân do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so cùng kỳ.

Các vị này cũng bày tỏ lo ngại sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu một số thị trường. Thực tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chịu sự tác động từ sự sụt giảm của giá cả hầu hết hàng hóa trên thế giới, trong đó có cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế.

Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD, dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm 2015 ở mức cao, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Kế hoạch cổ phần hóa khó hoàn thành

Nỗi lo của cơ quan thẩm tra còn ở chỗ nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao, dự kiến ở mức 31% so với tổng thu ngân sách.

Cơ quan thẩm tra cũng nhìn nhận việc cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước còn chậm nên khó có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ đã xác định: trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2015.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét để trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết riêng về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm hiệu quả của quá trình cổ phần hóa.

Trao đổi với VnEconomy bên lề phiên khai mạc kỳ họp, một số vị thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc "ép” tiến độ cổ phần hóa khiến cho kết quả cổ phần hóa của một số tập đoàn nhà nước không còn nhiều ý nghĩa.