10:54 23/11/2012

Cơ quan chống tham nhũng độc lập: Chờ sửa luật toàn diện

Nguyễn Lê

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo tiếp thu, 
giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống 
tham nhũng - Ảnh: CTV.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng - Ảnh: CTV.
Mặc dù được nhiều đại biểu mạnh mẽ đề nghị, song việc thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước vẫn chưa thể thành hiện thực.

Sáng 23/11, ngay trước phiên bế mạc, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng (tên gọi cũ là Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Báo cáo giải trình lần cuối trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích sự thay đổi tên gọi là do phạm vi sửa đổi lần này chỉ tập trung vào một số điều thực sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5.

Với cơ quan chống tham nhũng độc lập, nhấn mạnh là vấn đề được nhiều vị đại biểu và cử tri quan tâm, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, đây cũng là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, sâu sắc, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

“Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện báo cáo.

Quy định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, sau nhiều tranh luận và đề nghị mở rộng, rốt cuộc vẫn giữ nguyên như luật hiện ngành.

Trong điều kiện Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập, tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, giữ nguyên như vậy để tập trung làm cho thật tốt và sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để mở rộng diện phải kê khai khi sửa đổi cơ bản, toàn diện luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải.

Cũng vẫn phải chờ khi sửa luật toàn diện là đề nghị mở rộng công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở cả nơi cư trú. Vì, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng, nghiên cứu kỹ, toàn diện về nhiều mặt, phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý, kiểm soát thu nhập hiện nay của Nhà nước ta.

Bên cạnh đó, quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị  cũng không có gì mới so với luật hiện hành.

Riêng với nội dung công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở dự luật đã được chỉnh lý rõ hơn, cụ thể hơn.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung: vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết; các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính; vốn vay ưu đãi; báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; việc lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp; việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý;

Họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước cũng là nội dung bắt buộc phải công khai.

Được thông qua chỉ trong một kỳ họp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2013, sớm hơn các dự án luật được thông qua cùng thời điểm 5 tháng.