15:10 23/08/2016

Cơ quan độc lập quản vốn Nhà nước: “Mục tiêu rất tham vọng”

Nguyên Vũ

Chuyên gia WB cho rằng lập Cơ quan độc lập quản vốn Nhà nước là “mục tiêu rất tham vọng”, nếu thực hiện được sẽ là bước tiến bộ

Chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) William P.Mako tại hội thảo - Ảnh: Mỹ An.
Chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) William P.Mako tại hội thảo - Ảnh: Mỹ An.
Chiều 23/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học với Việt Nam.

CIEM là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, trong lời phát biểu khai mạc hội thảo nói rằng, sau khi dự thảo nghị định được công bố đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp.

Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, và đã mời hai chuyên gia là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến hội thảo.

Một trong hai vị đó là chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) William P.Mako.

Dự thảo đặt mục tiêu thành lập cơ quan chuyên trách là để tách bạch chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Bình luận tại hội thảo, chuyên gia William P.Mako cho rằng "đây là mục tiêu rất tham vọng", nếu thực hiện được sẽ là bước tiến bộ.

Vị chuyên gia này cho rằng dự thảo cần quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ can thiệp nào vào doanh nghiệp nhà nước ngoài những vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước chung đối với mọi doanh nghiệp.

Theo dự thảo, cơ quan chuyên trách là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng.

Ông William P.Mako cho rằng, vấn đề cần làm rõ ở đây là địa vị pháp lý của cơ quan chuyên trách trong Chính phủ Việt Nam.

Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra là người đứng đầu cơ quan chuyên trách có vị trí thế nào trong Chính phủ? Chủ tịch các tập đoàn kinh tế (cũng do Thủ tướng bổ nhiệm) có ngang cấp bộ? nên chăng cần đặt người đứng đầu cơ quan chuyên trách ở vị trí cao hơn (ví dụ là phó thủ tướng)?

Chuyên gia cố vấn của WB cũng lo ngại về cơ cấu của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Dự thảo quy định cơ cấu của cơ quan này gồm 6 đơn vị chuyên môn: ban đầu tư tài chính; ban phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược; ban đầu tư phát triển hạ tầng và năng lượng; ban công nghệ thông tin và truyền thông; ban công nghiệp chế tác; ban đầu tư và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.

Có lý do để lo ngại rằng cơ cấu này là cồng kềnh, lãng phí, hoặc tệ hơn có thể trở thành bộ máy quan liêu can thiệp vào hoạt động hàng ngày của các doanh nghiệp, chuyên gia WB bình luận.

Vị này cũng nhấn mạnh đây là một vấn đề bất cập đang diễn ra đối với uỷ ban giám sát quản lý tài sản của Nhà nước Trung Quốc.

Từ kinh nghiệm thực hiện quyền sở hữu của Bộ Công nghiệp Thụy Điển, theo ông William P.Mako nên tổ chức cơ quan chuyên trách thành nhóm nhỏ 3 người. Gồm một người chính, một người dự bị và một trợ lý nghiên cứu.

Nhóm 3 người này phụ trách 1 - 3 tập đoàn/ tổng công ty kể cả công ty cổ phần.

Như vậy, có thể chỉ cần 16 nhóm 3 người, trong đó 2 nhóm phụ trách ngành thực phẩm, bia; 1 nhóm phụ trách ngành giấy, lâm nghiệp; 1 nhóm ngành thuốc lá, dược phẩm; 1 nhóm ngành cà phê, cao su; 1 nhóm cho ngành dệt may; 1 nhóm cho ngành thép, máy móc nông nghiệp; 1 nhóm cho đóng tàu; 1 nhóm cho xây dựng; 2 nhóm cho viễn thông; 1 nhóm cho hàng không; 1 nhóm ngành vận tải; 2 nhóm cho ngành khai thác tài nguyên, hoá chất và 1 nhóm ngành điện.

Các nhóm này sẽ là người đại diện theo ủy quyền của cơ quan chuyên trách. Như vậy sẽ có hai bên đối tác thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Một là các nhóm của cơ quan chuyên trách và hai là các thành viên hội đồng thành viên của các tập đoàn, tổng công ty.

Chuyên gia WB cho rằng, sự kết hợp của nhóm chuyên nghiệp, có trình độ với người đại diện tại doanh nghiệp là đủ để thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Mô hình tổ chức theo kiểu phòng ban có vẻ không còn cần thiết và không còn phù hợp với phương thức quản trị hiện đại. Nếu cần thiết, cơ quan chuyên trách có thể bổ sung chuyên môn cho các nhóm bằng việc thuê chuyên gia tư vấn bên ngoài, chuyên gia WB nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang níu chân sự phát triển, cơ quan chuyên trách quản vốn nhà nước có thể là giải pháp tốt thứ nhì, nếu không thể có giải pháp tối ưu hơn, ông William P.Mako bình luận.