22:28 10/01/2017

Còn nhiều băn khoăn về luật hoá quy định nổ súng

Nguyễn Lê

Sau khi tiếp tục được hoàn thiện, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp.</span>
Đại diện các bộ, ngành không có ý kiến "ngược" nào nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn nhiều băn khoăn khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chiều 10/1.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ hai và còn có quan điểm khác nhau về quy định nổ súng.

Một số ý kiến đề nghị luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc nổ súng, còn việc nổ súng trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy định trong các luật chuyên ngành. 

Nhưng theo một số ý kiến khác thì luật này cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, không giao các luật khác quy định về nổ súng để bảo đảm thực hiện thống nhất. Một số trường hợp đặc biệt có thể quy định trong Luật chuyên ngành nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về nổ súng tại luật này.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung đã được trình Quốc hội theo hướng quy định về nguyên tắc nổ súng và các trường hợp được nổ súng như dự thảo luật.

Cho rằng với vũ khí hiện đại thì có những thứ không nổ vẫn tiêu diệt được đối tượng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần quy định bao quát cả những trường hợp này.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì nên làm rõ định nghĩa về nổ súng, vì nổ súng không có nghĩa là bắn có tiếng nổ, hoặc bắn chỉ thiên thì cũng không phải là nổ súng.

Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói, nếu quy định rộng cả đến vũ khí laser, hoặc vũ khí bấm cái gây chết ngay thì sang khía cạnh khác, không nên đưa vào luật này vì rất phức tạp. 

Quy định về nổ súng tại dự thảo luật, theo ông Vương cũng đã khá rõ và tương đối chặt chẽ. Bóp cò là nổ súng rồi, bắn chỉ thiên cũng là nổ súng, Thứ trưởng khẳng định.

Vẫn băn khoăn đến các quy định nổ súng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập nội dung tại điểm C điều 21:  không nổ súng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Hồi âm ý kiến này thứ trưởng Vương nói đặt ra quy định như điểm C vì đây là nhóm người yếu thế cần cân nhắc kỹ, trừ trường hợp họ đang sử dụng vũ khí.

Ông Vương nói thêm dự luật quy định việc nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng là nguyên tắc chung của người cầm súng. Ví dụ trong tình huống biết rõ đối tượng được trang bị vũ khí thì căn cứ vào tình huống cụ thể để xác định, có tình huống có thể cho nổ súng và tiêu diệt luôn.

 Với những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn trường hợp áp dụng với đối tượng "mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí".

Theo Phó chủ tịch cần làm rõ thêm là họ đang sử dụng vũ khí tấn công ai hay đang sử dụng thôi cũng bắn ngay mà không cần cảnh báo.

Nhấn mạnh yếu tố đang sử dụng vũ khí ở đối  tượng này, Thứ trưởng Vương nói thực tế có những toán buôn bán ma tuý có vũ trang và hai năm qua đã diễn ra 6 lần công an phải đấu súng với các toán này.

Những trường hợp phát hiện các toán vũ trang thì phải nổ súng trước bằng hình thức cảnh báo, nếu không được thì phải sát thương, ông Vương nói.

Sau khi tiếp tục được hoàn thiện, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.