08:40 27/04/2012

Công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm tại Quốc hội

Nguyên Thảo

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được công bố công khai

So với nội dung được thảo luận tại phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đã có thay đổi từ “các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” sang “một số chức danh”.
So với nội dung được thảo luận tại phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đã có thay đổi từ “các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” sang “một số chức danh”.
Một trong những định hướng đổi mới đáng chú ý trong hoạt động giám sát của Quốc hội tại đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội là hằng năm tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đề án, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức.

Quy chế, quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2012.

Như vậy, so với nội dung được thảo luận tại phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này đã có thay đổi từ “các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” sang “một số chức danh”.

Trong số các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và toàn bộ nhân sự các cơ quan của Quốc hội, đoàn thư ký kỳ họp.

Tuy nhiên, đề án không nói rõ "một số chức danh" là bao gồm những chức danh nào.

Góp ý cho đề án tại hội nghị hội nghị trực tuyến với các đoàn đại biểu Quốc hội sáng nay (27/4) Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) đề nghị cần quy định rõ “một số chức danh” được bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm chiếm tỷ lệ bao nhiêu và cơ sở của tỷ lệ này? Việc bỏ phiếu tiến hành tại kỳ họp giữa năm hay cuối năm và nếu người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội hai lần liên tiếp thì thời gian cụ thể được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức bắt đầu từ khi nào?

Đồng tình với việc bỏ phiếu tín nhiệm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh, việc này đã được quy định tại Hiến pháp, bây giờ chúng ta tiếp tục làm.

Bên cạnh nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, đề án cũng nhấn mạnh một số định hướng đổi mới khác để các vị đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Như, nghị quyết về trả lời chất vấn và trả lời chất vấn sẽ nêu rõ những nội dung tán thành, không tán thành với ý kiến người trả lời chất vấn.

Thay vì một kỳ họp, dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định được trình theo quy trình xem xét, thông qua tại hai kỳ họp.