16:53 09/11/2010

Công nghiệp 10 tháng: Nặng “chìm”, nhẹ “nổi”

Anh Quân

“Sản xuất công nghiệp tháng 10 có xu hướng giảm nhẹ, thấp hơn 0,2 điểm % so với tốc độ tăng của 10 tháng”

Một số doanh nghiệp ngành da giầy đang phải sản xuất hết công suất nhưng vẫn không trả hết đơn hàng.
Một số doanh nghiệp ngành da giầy đang phải sản xuất hết công suất nhưng vẫn không trả hết đơn hàng.
“Sản xuất công nghiệp tháng 10 có xu hướng giảm nhẹ, thấp hơn 0,2 điểm % so với tốc độ tăng của 10 tháng”, Bộ Công Thương lưu ý tại bản báo cáo tháng 10, vừa được công bố.

Dù vậy, thông tin tích cực là mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 13,5% trong 10 tháng đã cao hơn con số kế hoạch 12%. Nhưng ở góc nhìn cận cảnh hơn, lĩnh vực công nghiệp nặng, bao gồm cả năng lượng, đang trong xu hướng “chìm” xuống so với cùng kỳ năm ngoái, ngược lại công nghiệp nhẹ tiếp tục bứt phá, đặc biệt là nhóm hàng liên quan nhiều đến xuất khẩu.

Công nghiệp nặng chạm mức giới hạn

Với ngành công nghiệp nặng, sự sụt giảm về giá trị sản lượng có nguyên nhân do giới hạn khả năng sản xuất, lực cầu không đủ mạnh để kích thích tăng trưởng, hay định hướng chính sách...

Cho đến tháng 10, các nhà máy nhiệt điện than mới như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả đã vận hành trở lại nhưng sản lượng điện vẫn giảm 1,2% so với tháng 9. Nguyên nhân có thể do tiêu dùng điện trong tháng 10 cũng đã giảm 3,3%.

Tính chung 10 tháng năm 2010, tăng trưởng sản lượng điện đạt đúng bằng tăng phụ tải, ở mức 14,4% so với cùng kỳ, nhưng thiếu điện vẫn diễn ra trong nhiều thời điểm. Những lúc “nước sôi lửa bỏng” vào các tháng mùa Hè, ngành điện đã không thể cân đối đủ nhu cầu về điện cho nền kinh tế.

Với lĩnh vực khai thác dầu khí, tổng sản lượng qui dầu 10 tháng năm 2010 cũng giảm 2,1% so cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác dầu thô đạt 12,4 triệu tấn, giảm tương ứng 12,5%.

Lưu ý mức giảm 2 con số kể trên, trong một báo cáo riêng, Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp - dầu thô khai thác - lại giảm so với cùng kỳ mà nguyên nhân do giới hạn kỹ thuật của các mỏ.

Kịch bản sụt giảm cũng diễn ra với khai thác than sạch. Chính sách tiết giảm xuất khẩu than khiến sản lượng khai thác 10 tháng năm nay giám so với cùng kỳ năm trước.

Khai thác than sạch 10 tháng ước đạt 35,5 triệu tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Sản lượng than đá xuất khẩu đến cuối tháng 10 ước đạt 15,5 triệu tấn, giảm tương ứng tới 22,1%.

Trong khi đó, sản lượng thép 10 tháng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ với lực cầu thúc đẩy sản xuất đến từ thị trường ngoại. Xuất khẩu sắt thép 10 tháng ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần cùng kỳ năm ngoái, nhưng tiêu thụ trong nước đã giảm đáng kể trong tháng 10, khiến lượng tồn kho khá lớn, Bộ Công Thương cho biết.  

Công nghiệp nhẹ chủ yếu tăng hai con số

Với công nghiệp nhẹ, điểm bất ngờ là sự phục hồi nhanh hơn dự đoán của các lĩnh vực dệt may, da giày. Xuất khẩu tăng mạnh và đơn hàng về nhiều khiến cho không ít doanh nghiệp đang phải tăng tốc sản xuất trong những tháng cuối năm.

Qua 3 tháng liên tiếp xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đến thời điểm cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ.  

“Hiện các doanh nghiệp dệt may đang đẩy nhanh sản xuất để trả hết các đơn hàng của năm. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký xong đơn hàng cho năm 2011”, Bộ Công Thương cho biết.

Tương tự, một số doanh nghiệp ngành da giầy đang phải sản xuất hết công suất nhưng vẫn không trả hết đơn hàng, nhất là sản phẩm giầy thể thao. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 252,3 triệu đôi, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Những diễn biến trên đưa đến góc nhìn khá lạc quan về triển vọng xuất khẩu các sản phẩm này trong giai đoạn từ nay đến cuối năm và đầu năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc tăng giá mạnh các nguyên liệu đầu vào đã gây khó khăn không ít cho ngành dệt.

Do giá bông nhập khẩu từ Tanzania đã tăng gần 40%, từ Bờ Biển Ngà tăng 56% so với cùng kỳ và giá sợi polyester cũng tăng, tốc độ tăng của vải dệt từ sợi bông chỉ còn 1,2%, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Tương tự, tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu các doanh nghiệp ngành nhựa tiếp tục ổn định và tăng trưởng tốt. Riêng nhóm bao bì nhựa đạt mức tăng trưởng rất cao, đến trên 28%.

Trong khi đó, sản xuất bia, rượu, nước giải khát vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, trong  10 tháng năm 2010, sản lượng ước đạt trên 2 tỷ lít, tăng tới 21,4% so với cùng kỳ; sản xuất giấy 10 tháng ước đạt 1,5 triệu tấn sản lượng, tăng 9,9%...