10:10 24/10/2012

CPI tháng 10 giảm tốc mạnh, vì sao?

Trần Minh

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2012 tăng 0,85% so với tháng trước

Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng so với cùng kỳ năm 2011 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng so với cùng kỳ năm 2011 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2012 tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tính từ đầu năm, CPI cả nước tăng 6,02% và bình quân 10 tháng năm 2012 tăng 9,66% so với 10 tháng năm 2011.

Mức tăng này, tuy có chênh lệch đôi chút so với số liệu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội, sáng 24/10, song vẫn phù hợp với nhận định của bà Trần Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trong lần trả lời báo chí gần đây, rằng CPI cả nước tháng 10 có thể tăng không quá 1%.

Tuy nhiên, mức tăng này lại gây bất ngờ đối với nhiều người, nhất là khi CPI tháng 10 của hai thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM chỉ tăng dưới 0,5%.

Nguyên nhân CPI tháng 10 giảm tốc mạnh so với mức tăng 2,2% của tháng 9, chủ yếu là do giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng này tăng 5,94%, chỉ bằng gần 1/3 mức tăng của tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung chỉ khoảng 0,3% (mức ảnh hưởng của nhóm này đến chỉ số chung trong tháng 9 là 0,95%).

Cũng cần lưu ý rằng, việc nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng này tiếp tục tăng so với tháng trước là do một số tỉnh chưa tăng giá dịch vụ này trong tháng 9, đã tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế.

Như các phân tích trước đây của VnEconomy, việc tăng giá các dịch vụ y tế chỉ ảnh hưởng một lần đến CPI.

Cùng diễn biến như nhóm y tế, chỉ số giá nhóm giáo dục trong tháng 10 tăng 1,88%, chỉ bằng gần 1/10 mức tăng của tháng 9 và đóng góp vào mức tăng chỉ số chung chỉ khoảng 0,06%.

Như vậy, sau tháng 9 đẩy chỉ số chung lên cao, sang tháng 10, mức độ ảnh hưởng của hai nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giáo dục lên chỉ số chung đã giảm đi rất nhiều, góp phần hạ nhiệt chỉ số giá chung.

Ở các diễn biến khác, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng khá mạnh trên 1% sau khi đã tăng trên 2% vào tháng trước. Việc tăng giá gas của các công ty ngày 1/10/2012 và cách tính đặc biệt áp dụng cho các mặt hàng xăng dầu (cụ thể trong nhóm là dầu hỏa) được cho là nguyên nhân chính.

Các nhóm còn lại đều tăng thấp hơn hoặc tương đương mức tăng của tháng trước, cá biệt có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Chỉ số giá vàng tháng 10 tăng 4,64% so với tháng trước và chỉ số Đô la Mỹ tăng 0,06%.

Từ diễn biến CPI chung của cả nước, Hà Nội và Tp.HCM hai tháng gần đây có thể thấy, các mặt hàng do nhà nước quản lý (học phí, phí dịch vụ y tế...), tuy không chiếm tỷ trọng quyền số lớn trong CPI, nhưng thường có biên độ dao động giá rất mạnh, tạo nên các cú sốc bất ngờ cho lạm phát chung.

Điều này khiến cho nhu cầu cần thêm thông tin về lạm phát cơ bản (core inflation) càng trở lên cấp thiết hơn cho điều hành chính sách tiền tệ cũng như các phân tích dài hạn khác.