17:16 22/09/2014

CPI tháng 9 tại Tp.HCM tăng vọt hơn 1%

Thái Hà

Cục Thống kê Tp.HCM vừa công bố CPI tháng 9/2014 của thành phố đã tăng 1,13% so với tháng trước

Đúng mùa khai trường, nhóm giáo dục tại Tp.HCM trong tháng 9 đã tăng 19,02% so với tháng trước.<br>
Đúng mùa khai trường, nhóm giáo dục tại Tp.HCM trong tháng 9 đã tăng 19,02% so với tháng trước.<br>
Cục Thống kê Tp.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 của thành phố đã tăng 1,13% so với tháng trước và tăng 3,16% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, CPI của thành phố đã tăng 2,41%.

Cũng giống như tháng 9 năm ngoái, CPI tháng 9 năm nay có bước nhảy vọt tăng mạnh mẽ ở mức cao hơn rất nhiều lần so với mức tăng của các tháng khác trong năm 2014 nhờ vào lực đẩy mạnh mẽ từ học phí.

Theo lộ trình điều chỉnh học phí các cấp đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua vào năm ngoái, tháng 9 năm nay, một số cấp học tiếp tục điều chỉnh học phí theo kế hoạch để sát với khung học phí chung và vì “cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Với mức điều chỉnh trong tháng, riêng học phí các loại đã tăng hơn 20% so với tháng trước qua đó khiến chỉ số giá nhóm giáo dục nói chung tăng 19,02% so với tháng trước.

Ở các nhóm hàng khác còn lại, xu hướng chủ đạo là giảm giá hoặc tăng thấp hơn mức tăng của tháng trước ngoại trừ nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,39% từ mức giảm 0,15% của tháng trước.

Giá gas tiếp tục giảm 7 nghìn đồng/bình 12 kg từ 1/9 là điều kiện tiên quyết để chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt tiếp tục giảm giá ở mức 0,55% so với tháng trước.

Cũng trong xu hướng giảm của các sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ, giá bán lẻ xăng dầu các loại cũng liên tiếp được điều chỉnh giảm trong tháng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm hàng giao thông giảm 2,03% so với tháng trước.

Ngoài ra, mức giảm trên cũng được đóng góp bởi tổng công ty đường sắt Việt Nam đang áp dụng giảm giá vé tầu hỏa cho khách đi đường dài kể từ ngày 4/9 đến 31/12/2014.

Cùng trong xu hướng chung, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng giảm 0,2% so với tháng trước trong đó lương thực tăng nhẹ 0,1%, thực phẩm giảm 0,42% trong khi ăn uống ngoài gia đình không đổi so với tháng trước.

Trong tháng, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ tiếp tục giảm giá so với tháng trước ở các mức tương ứng 0,93% và 0,3% so với tháng trước.