06:36 31/10/2015

Cướp nghìn tỷ ở ngân hàng có bị tử hình?

Nguyễn Lê

Băn khoăn trước quy định bỏ tử hình với tội cướp tài sản khi sửa Bộ luật Dân sự

Đại biểu Lê Đắc Lâm góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)<br>
Đại biểu Lê Đắc Lâm góp ý hoàn thiện dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)<br>
Góp ý sửa đổi Bộ luật Hình sự tại Quốc hội ngày 30/10, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) băn khoăn về đề xuất bỏ tử hình đối với tội cướp tài sản.

Ông Lâm nêu thực tế từ khi có Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay, ở Việt Nam chưa có vụ cướp nào đặc biệt lớn hàng chục tỷ đồng trở lên và chưa có tội cướp nào phải tuyên án tử hình.

Nhưng, với tình hình kinh tế - xã hội sẽ ngày càng phát triển, đại biểu Lâm đặt vấn đề: nếu trong tương lai nếu có vụ cướp xảy ra tại ngân hàng do một băng cướp thực hiện, chúng khống chế nhân viên ngân hàng và cướp đi hàng nghìn tỷ đồng. Sau đó công an truy đổi, băng cướp chống trả quyết liệt, kể cả bằng vũ khí nóng, cuối cùng công an vẫn bắt gọn băng cướp và không có trường hợp nào người thi hành công vụ bị chết, tài sản hàng nghìn tỷ đồng đã được thu hồi, nhưng hậu quả về mặt chính trị thì quá lớn.

Trường hợp này, những tên cầm đầu, chủ mưu có đáng tử hình hay không? Ông Lâm nêu câu hỏi và đề nghị xem xét lại việc bỏ tử hình đối với tội danh cướp tài sản.

Không thể dùng tiền thoát án tử

Bên cạnh bỏ án tử hình với nhiều tội danh, quy định không thi hành án tử hình với một số trường hợp khác cũng khiến đại biểu Lâm băn khoăn.

Cụ thể, dự thảo quy định không thi hành án tử hình đối với tội tham nhũng, nhận hối lộ khi sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra xử lý tội phạm.

 Như vậy có tiền là thôi án tử hình, là không nghiêm đối với tội tham ô, hối lộ, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo đại biểu Lâm thì “khắc phục cơ bản hậu quả” là một cụm từ xác định hậu quả tham nhũng rất trừu tượng, dễ dẫn đến lợi dụng trong việc chạy án.

“Chúng ta đều biết, kẻ tham nhũng chuyển hóa tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức rất tinh vi, chỉ cần gia đình họ bỏ ra một số tài sản để khắc phục hậu quả gọi là cơ bản thì sẽ thoát án tử hình”, ông Lâm lo ngại.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì  sự hối cải và sự nhận thức chủ động tích cực khắc phục đó nên ghi nhận ở giai đoạn phát hiện tội phạm và đang trong quá trình xử lý. Còn sau khi được tuyên án tử hình vì quá sợ bị tử hình mà tích cực khắc phục để cứu lấy sự sống của mình thì như thế người dân có cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình là điều không phải không có cơ sở.

Điều này theo đại biểu Tám là và sẽ làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, hối lộ.

Không nên bỏ tội kinh doanh trái phép

Trong số 8 tội được Chính phủ đề xuất bỏ khi trình dự án luật ra Quốc hội có tội kinh doanh trái phép.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải, các tội: kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng thực tế không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đồng thời cũng không phù hợp với  quy định của các luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư, Luật Loanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Các tổ chức tín dụng,...

Tuy nhiên, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng cần xem xét, cân nhắc, không nên bỏ tội kinh doanh trái phép. Vì hiện nay trong loại tội này đang diễn ra và gây hậu quả hết sức nghiêm trọng. Nhất là đối với các trường hợp kinh doanh các mặt hàng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà không đăng ký kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Dũng còn đề nghị cân nhắc không nên bỏ tội hoạt động phỉ vì tình hình hiện nay gây rối, chống đối đang diễn biến phức tạp, có tiềm ẩn, nhất là ở vùng biên giới và biển đảo.