16:48 11/07/2017

Đã giải ngân gần 23.000 tỷ đồng cho các dự án ngành giao thông

Kiều Linh

Kết quả giải ngân cho các dự án ngành giao thông nửa đầu năm 2017 là 22.757 tỷ đồng, đạt 35,8% kế hoạch năm 2017

Nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải là 63.575 tỷ đồng.
Nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải là 63.575 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm này, tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2017 của Bộ Giao thông Vận tải là 63.575 tỷ đồng, bao gồm 31.616 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 6.298 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, 5.661 tỷ đồng vốn kéo dài kế hoạch 2016 sang thực hiện giải ngân năm 2017 và 20.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau 6 tháng triển khai, kết quả thực hiện ước đạt 22.804 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 22.757 tỷ đồng, đạt 35,8% kế hoạch năm 2017.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao ước thực hiện 13.450 tỷ đồng, giải ngân 13.065 tỷ đồng, đạt 41,33% kế hoạch.

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn kéo dài kế hoạch 2016 sang thực hiện, giải ngân năm 2017 do vừa được giao vốn trong tháng 5/2017 nên hiện nay chưa giải ngân.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước tập trung hoàn thiện các thủ tục để có thể sớm giải ngân theo quy định.

Còn nguồn vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 9.354 tỷ đồng, giải ngân 9.692 tỷ đồng, đạt 48,46% kế hoạch năm 2017.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng đẩy mạnh quyết toán các dự án hoàn thành. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, từ đầu năm 2017 đến nay, đã lập, trình quyết toán 65 dự án với giá trị 45.367 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch cả năm; đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 44 dự án với giá trị duyệt 9.380 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch cả năm 2017.

Đối với các dự án BOT, BT, đến nay đã chấp thuận quyết toán được 53/58 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Về việc công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch đề ra, Bộ Giao thông Vận tải cho hay sẽ thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông rất khó khăn. Do đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, các ban quản lý dự án, Sở Giao thông Vận tải, nhà đầu tư... nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cùng bộ và các ban, bộ, ngành liên quan khắc phục các bất cập hiện nay, khơi thông nguồn vốn từ xã hội và các tổ chức quốc tế để thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. 

Liên quan đến công tác cổ phần hoá, Bộ Giao thông cho biết đã tạm dừng cổ phần hóa năm đơn vị sự nghiệp công lập, sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Năm doanh nghiệp gồm Học viện hàng không Việt Nam, Trường trung cấp nghề giao thông vận tải Thăng Long và ba bệnh viện gồm: Nam Thăng Long, Giao thông Vận tải Vinh, Giao thông Vận tải Đà Nẵng.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tập trung xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016, xây dựng lại phương án cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 3 năm tái cơ cấu SBIC.

Bộ cũng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền trong quá trình đàm phán của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với nhà đầu tư chiến lược…