18:19 02/06/2017

Đã tiết kiệm, ngân sách chi cho đi nước ngoài còn 2.557 tỷ

Nguyên Vũ

Chính phủ đánh giá hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức

Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho các đoàn ra nước ngoài năm 2016 giảm gần 500 tỷ đồng.
Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho các đoàn ra nước ngoài năm 2016 giảm gần 500 tỷ đồng.
Gửi báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 đến Quốc hội, Chính phủ cho biết đã thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường các đoàn đi công tác nước ngoài.

Cụ thể, số lượng đoàn ra năm 2016 là 2.040 đoàn, giảm 7,3% so với năm 2015 (đoàn lãnh đạo cấp cao giảm 24%, đoàn lãnh đạo cấp bộ, ngành trung ương giảm 45,7%, đoàn lãnh đạo các địa phương giảm 47%).

Kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đoàn ra năm 2016 là 2.557 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2015 (chi đoàn ra năm 2015 là 3.045 tỷ đồng) - Chính phủ cho biết.

Trong tiết kiệm ngân sách, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, nhiều bộ ngành, địa phương đạt kết quả cao trong lĩnh vực này.

Điển hình như thành phố Hà Nội đã thực hiện rà soát các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến dịch vụ công ích (các lĩnh vực như: công viên cây xanh, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, thủy lợi, đê điều, chiếu sáng đô thị,...) qua đó đã điều chỉnh, cắt giảm kinh phí 1.789,8 tỷ đồng.

Chính phủ cũng kể ra nhiều hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách. Như một số địa phương lập và giao dự toán một số nhiệm vụ chi ngân sách chưa tuân thủ định mức phân bổ, tính thiếu số tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; phân bổ dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi; bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức Chính phủ giao.

Ngoài ra, một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, sử dụng sai nguồn kinh phí, sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu..., để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức gây lãng phí.

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản thuộc ngân sách không đạt dự toán (đạt 80,8%), quyết toán chi chưa đúng quy định cũng là yếu kém được Chính phủ liệt kê.

Tuy nhiên, báo cáo không nêu đích danh tên các đơn vị có những vi phạm trên, chỉ nói những nội dung này đã nêu trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính.

Chuyển sang công tác quản lý nợ công, Chính phủ cũng thừa nhận không ít yếu kém. Đó là nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, nợ công chưa cao, quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Cơ cấu nợ công chưa thực sự bền vững, quản lý nợ công còn phân tán. 

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư công, nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng vốn. Tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn vay ODA tại một số dự án có tổng mức đầu tư lớn còn nhiều bất cập, tiến độ thực hiện chậm, gây lãng phí vốn.

Các dự án lãng phí được nêu tên: dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, trong đó vốn vay 16.485 tỷ đồng (khoảng 110.448 triệu JPY); vốn đối ứng 3.070 tỷ đồng (khoảng 20.575 triệu JPY), trong quá trình thực hiện, phải đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư 51.750 tỷ đồng, chênh lệch tăng 32.195 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 45.022 tỷ đồng (173.283 triệu JPY); việc thực hiện dự án bị kéo dài thời gian. 

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, dự án chậm tiến độ do năng lực của tổng thầu còn hạn chế;… 

Đáng chú ý, với thực hành tiết kiệm trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Chính phủ đánh giá hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức, mời nhiều khách và khách dự không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phụ trợ phô trương, lãng phí.

Nhưng, địa chỉ của "một số" này thì không được nêu cụ thể tại báo cáo, dù Quốc hội đã rất nhiều lần "đòi" Chính phủ phải báo cáo rõ địa chỉ thực hiện tốt cũng như chưa tốt.