10:59 12/06/2014

Đại biểu chất vấn vụ “bầu” Kiên tại Quốc hội

Nguyễn Lê

Vì sao hầu hết bị cáo đều không có tình tiết giảm nhẹ, nhưng mức án lại đều ở mức thấp so với khung hình phạt?

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (bên trái) và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
Trương Hòa Bình.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (bên trái) và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình.
“Tại sao cho tới lúc tuyên án, hầu hết bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên đều khẳng định mình vô tội?”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại Quốc hội, sáng 12/6.

Vẫn liên quan đến vụ án “bầu” Kiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng đề nghị Tổng thanh tra cho biết mức án đã tuyên đã thực sự phù hợp với các tội danh hay chưa, vì sao hầu hết bị cáo đều không có tình tiết giảm nhẹ, nhưng mức án lại đều ở mức thấp so với khung hình phạt?

Ông Sơn cũng đồng thời chuyển chất vấn này đến Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, hai vị trong danh sách “chia lửa” cho Tổng thanh tra.

“Quan điểm của chúng tôi thì trên cơ sở mức độ vi phạm mà xét xử nghiêm minh, còn xét xử nặng nhẹ là trách nhiệm của cơ quan truy tố xét xử”, ông Tranh đáp.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn tiếp tục bấm nút.

Nhưng ông Sơn cần phải chờ Tổng thanh tra trả lời các câu hỏi khác, trong đó có chất vấn liên quan đến kết luận thanh tra về đất đai ở Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Văn Dinh chất vấn: “Thanh tra kết luận sai phạm về đất đai tại Đà Nẵng gây thất thoát đến hơn 3.000 tỷ, nhưng Đà Nẵng phủ nhận, làm dư luận phân tâm. Vậy đến nay kết luận của Thanh tra có thay gì không và việc thực hiện kết luận thế nào?”.

Trong phần trả lời, Tổng thanh tra khẳng định trong vụ việc này kết luận của Thanh tra Chính phủ là đúng pháp luật và có cơ sở.

Đến nay Đà Nẵng đã và đang thực hiện kết luận thanh tra, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan thời kỳ 2003-2011 đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai, và cam kết thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng.

Được mời tiếp tục chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị chủ tọa phiên chất vấn chỉ định một trong số các vị bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao hoặc Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời chất vấn nói trên của ông, vì không chỉ riêng ông cần có câu trả lời chính xác về vụ việc này.

Nhấn mạnh là án đã tuyên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trả lời rõ chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn về vụ án "bầu" Kiên trước Quốc hội, sau khi Tổng thanh tra tiếp tục trả lời một số câu hỏi của các vị khác.

Nêu thông tin từ báo chí về một vị Phó tổng thanh tra có nhiều tài sản, trong đó có nhiều cổ phiếu ở các cơ quan mà cơ quan thanh tra đã từng đến thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy hỏi, phản ánh đó có đúng không và nếu đúng thì quan điểm xử lý thế nào? Đại biểu Thúy cũng muốn biết giải pháp đột phá để phòng chống tham nhũng từ Tổng thanh tra.

Trả lời chất vấn của đại biểu Thúy, ông Tranh cho biết qua ba lần sửa đổi, Luật Phòng chống tham nhũng đã có nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc kê khai tài sản.

Bên cạnh đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thanh tra Chính phủ đề nghị siết kỷ luật kỷ cương của bộ máy và hứa sẽ nâng cao trách nhiệm của ngành trong việc phòng chống tham nhũng.

Về tài sản của Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, ông Tranh cho biết, sau khi báo chí đưa tin đã chủ động yêu cầu ông Khánh báo cáo kê khai tài sản từ 2007 đến nay, đối chiếu lại thì "đúng quy định". Ông Khánh cũng đã giải trình và gửi các cơ quan chức năng theo dõi đối chiếu.

Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nắm tình hình và đang đối chiếu xem mức độ chính xác thế nào, và sẽ có kết luận sau.

5 phút cuối của phiên chất vấn buổi sáng là thời gian dành cho Chánh án Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn về vụ án “bầu” Kiên.

Chánh án cho biết, cơ quan xét xử sơ thẩm đã dựa trên nguyên tắc thông qua tranh tụng để xem xét toàn bộ chứng cứ buộc tội và gỡ tội để xử lý đúng người đúng tội, không làm oan và không để lọt tội phạm, tuyên án phải kết hợp cả trừng trị và khoan hồng.

Tòa án Hà Nội đã xét xử sơ thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Đây là trường hợp phạm nhiều tội, với mức án cao nhất là 30 năm tù, và mức án đã tuyên cho Nguyễn Đức Kiên là công tâm, ông Bình khẳng định.

"30 năm tù với một đời người là không thấp. Bản án đã tuyên khá là toàn diện. Tôi tôn trọng quyết định của hội đồng xét xử, nếu có kháng nghị thì sẽ xem xét phúc thẩm", ông nói.