08:35 29/03/2016

Đại biểu góp ý về quan hệ với Trung Quốc

Nguyễn Lê

Cần thể hiện rõ hơn quyết tâm “kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Gạc Ma - chủ quyền của Việt Nam”

Tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh cắt từ một đoạn video quay từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 21/5/2015 - Nguồn: Reuters.
Tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh cắt từ một đoạn video quay từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon do Hải quân Mỹ cung cấp ngày 21/5/2015 - Nguồn: Reuters.
Sáng 29/3, Quốc hội sẽ thảo luận về bốn báo cáo công tác nhiệm kỳ, trong đó có báo cáo của Thủ tướng và Chính phủ.

Một ngày trước phiên thảo luận toàn thể này, báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu khi thảo luận tại tổ về nội dung trên được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Minh bạch để dân yên lòng

Nhận xét chung, một số ý kiến cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quan điểm, thái độ rất mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, kịp thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ ngư dân, ứng phó có hiệu quả đối với tình hình biển Đông, giữ được môi trường hòa bình để phát triển ổn định nên được người dân và đồng bào đánh giá cao.

Có ý kiến đề nghị trong báo cáo cần thể hiện rõ hơn quyết tâm “kiên trì đấu tranh giành lại Hoàng Sa, Gạc Ma - chủ quyền của Việt Nam”, thể hiện rõ cho người dân yên tâm về công tác ngoại giao, đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam, không để hiểu lầm báo cáo lướt nhanh qua về vấn đề này.

Cụ thể hơn, đại biểu góp ý, cần cân nhắc nhận định liên quan đến bảo vệ được “độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ”, nhất là tình hình biển Đông từ sau 1975, Trung Quốc liên tục có những động thái lấn chiếm Trường Sa, Hoàng Sa. 

Quan hệ với Trung Quốc là quan hệ lâu dài nên cần phải khéo léo, khôn ngoan nhưng kiên quyết, không nên kéo dài tình trạng như hiện nay. Một số vấn đề về chủ quyền biển đảo họp kín, truyền thông không tiếp cận được, tạo nên thắc mắc trong nhân dân, đề nghị cần công khai minh bạch thông tin để nhân dân yên lòng. Cần đề ra các giải pháp chiến lược về chủ quyền quốc gia trong thời gian tới, đại biểu góp ý.

“Bức tranh” tham nhũng thiếu chân thực

Như VnEconomy đã thông tin, khi thẩm tra báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận định báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu. 

Trao đổi xung quanh nhận định này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, ông Lê Minh Thông nói rất nhiều người băn khoăn là nạn tham nhũng không  những chưa bị chặn đứng và đẩy lùi mà còn tiếp tục tràn lan ra. Nhưng cả báo cáo và xử lý đều không phản ánh rõ nên có lẽ tiếp tục cần có khảo sát đánh chân thực hơn bức tranh về tham nhũng hiện nay.

“Có địa phương nói không phát hiện được tham nhũng nhưng mà dẫn vẫn cứ băn khoăn. Tôi nghĩ là dân sáng suốt lắm, cảm nhận của người dân là có căn cứ lắm, chỉ có điều là họ không bắt tận tay không day tận mặt được mà thôi”, ông Thông nhìn nhận.

Ông nói: “Nếu cứ thông qua án tham nhũng thì dân băn khoăn lắm, đó phải chăng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Báo cáo thẩm tra phản ánh một thực tế rất nhiều người cảm nhận thấy nhưng không có bằng chứng cụ thể, vì với người dân thì họ không có điều kiện lôi ra những bằng chứng cụ thể”.

Nhưng, không chỉ có cử tri, mà theo ông Thông, thì ngay cả đại biểu cũng có cái khó.

“Đại biểu của dân thì cũng là từ nhân dân mà ra, chúng tôi lắng nghe, thấu hiểu và phản ánh, chúng tôi chỉ yêu cầu làm rõ, còn có làm rõ được hay không là các cơ quan có trách nhiệm”, ông Thông phân tích.