12:12 03/05/2017

Đại biểu Quốc hội được thuê thư ký giúp việc

Nguyễn Lê

Đại biểu Quốc hội có quyền thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký

Đại biểu Quốc hội được cấp kinh phí khoán hằng tháng để có thể tự thuê người thực hiện công việc thư ký - Ảnh: Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá 14.
Đại biểu Quốc hội được cấp kinh phí khoán hằng tháng để có thể tự thuê người thực hiện công việc thư ký - Ảnh: Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá 14.
Theo nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội mới được ban hành thì đại biểu Quốc hội có quyền thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký. 

Nghị quyết cũng giới hạn, người được thuê thực hiện công tác thư ký cho đại biểu Quốc hội phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc.

Nội dung công tác thư ký giúp việc gồm: xây dựng kế hoạch công tác; tiếp nhận, chuẩn bị tài liệu, công văn, liên lạc với cử tri nơi ứng cử; truyền đạt, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội và một số công việc hành chính khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc.

Nghị quyết cũng quy định đại biểu Quốc hội được cấp kinh phí khoán hằng tháng để có thể tự thuê người thực hiện công việc thư ký. Mức khoán đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bằng 100% của 2,34 mức lương cơ sở. Đối với đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách bằng 40% của 2,34 mức lương cơ sở. Đại biểu Quốc hội trực tiếp thanh toán cho người được thuê thực hiện công tác thư ký theo mức thỏa thuận đối với từng công việc.

Trường hợp đại biểu Quốc hội tự giải quyết công việc hành chính để thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì được nhận khoản kinh phí này. 

Đại biểu Quốc hội có chế độ thư ký giúp việc theo quy định của Đảng và Nhà nước nhưng chưa bố trí được thư ký thì được áp dụng chế độ quy định tại khoản này cho đến khi bố trí được thư ký chính thức.

Ngoài nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định bổ sung chế độ tiền lương, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội.

Theo đó, đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở.

Đại biểu Quốc hội không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng thù lao tham gia hoạt động Quốc hội bằng hệ số 0,2 mức lương cơ sở/ngày, tính cho 120 ngày làm việc/năm.