14:21 03/11/2015

Đại biểu Quốc hội muốn làm rõ việc đảo nợ

Nguyên Vũ

Bội chị và nợ công vẫn luôn là trung tâm của nỗi lo về ngân sách khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Một buổi họp tổ của Quốc hội.<br>
Một buổi họp tổ của Quốc hội.<br>
Theo nghị trình, chiều 3/11 Quốc hội sẽ thảo luận ba nội dung liên quan đến túi tiền quốc gia.

Thứ nhất là kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Thứ hai là việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên là nội dung thứ ba.

Làm rõ tình trạng đảo nợ

Bội chị và nợ công vẫn luôn là trung tâm của nỗi lo về ngân sách khi Quốc hội thảo luận tại tổ. Báo cáo tập hợp các ý kiến từ phiên thảo luận tổ cho thấy, một số vị đại biểu cho rằng, việc Bộ Tài chính vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để bù đắp bội chi ngân sách biểu hiện khó khăn trong ngân sách Nhà nước năm 2015.

Bội chi ngân sách theo phương pháp mới chỉ là 4% nhưng trong báo cáo vẫn tính bội chi theo phương pháp cũ. Nếu bội chi không xuống 4% thì nợ công sẽ vượt mức 65%, cho nên cần tính toán kỹ.

Đại biểu Quốc hội cũng sốt ruột khi bội chi chủ yếu cho chi thường xuyên, ít sử dụng cho đầu tư phát triển.

Việc thực hiện bội chi Nhà nước như năm nay chắc không phải 5% như báo cáo mà khả năng có thể tăng cao, một số khoản chưa tính vào bội chi như các khoản ứng trước. Bội chi sẽ còn tăng nếu giải ngân hết ODA và Chính phủ cần có giải pháp hợp lý, đoàn thư ký ký họp phản ánh ý kiến thảo luận ở tổ.

Tổng hợp ý kiến từ 19 tổ thảo luận cũng cho thấy băn khoăn về việc vay ngân hàng để đảo nợ. Cần làm rõ tình trạng đảo nợ thường xuyên như ở nước ta, làm rõ ảnh hưởng để lại cho nền kinh tế. Số nợ công tăng lên hàng năm, năm nay là 8 tỷ USD và cần làm rõ 8 tỷ USD này có đóng góp vào tăng trưởng hay không, đại biểu đề nghị.

Các vị đại biểu cũng lo ngại vay đảo nợ sẽ dẫn đến nợ ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, vay vốn quốc tế với thời gian dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn trong nước, nhưng chỉ đáp ứng được 10% vốn vay. Lãi suất huy động phát hành trái phiếu quốc tế của Việt Nam là khá cao, tỷ giá lại có xu hướng tăng, dẫn đến rủi ro lớn. Đề nghị huy động USD trong nước thay vì phát hành trái phiếu quốc tế.

Không hòa tiền bán cổ phần vào ngân sách

Một nội dung đáng chú ý trong điều hành ngân sách là bán bớt cồ phần của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại các tổ thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị bán cổ phần nhưng phải để đầu tư chiến lược lâu dài, không hoà vào ngân sách để chi thường xuyên và các danh mục đầu tư phải được Quốc hội thông qua.

Đồng tình cần phải thúc đẩy việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để cải cách nền kinh tế, nhà nước chỉ nên nắm giữ những lĩnh vực có tầm quan trọng huyết mạch, nhưng nhiều vị đại diện của dân cho rằng việc bán các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn có lãi do khó khăn trong hoạt động thu ngân sách và chi tiêu ngân sách là không phù hợp.

Đề nghị vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp nên tập trung cho một số ngành mũi nhọn, tạo đột phá cho phát triển kinh tế như ngành dầu khí, ôtô.

Một số ý kiến cho rằng cần ưu tiên cho chi trả nợ, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ là giải pháp giải quyết vấn đề. Vay đảo nợ cũng là giải pháp quan trọng, trong đó có việc phát hành trái phiếu quốc tế. Mặt khác quan tâm đến việc thu nội địa, bán vốn cổ phần nhà nước để tăng vốn đầu tư phát triển, đoàn thư ký kỳ họp phản ánh.

Không mới, song Quốc hội cần ban hành Luật Ngân sách hàng năm để đại biểu xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể vẫn nằm trong đề xuất với giải pháp thu, chi ngân sách thời gian tới.