09:45 15/04/2015

Đại biểu Quốc hội sẽ được hỗ trợ lập pháp

Nguyễn Lê

Tiếp tục thảo luận một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật

Một phiên thảo luận tại Quốc hội.<br>
Một phiên thảo luận tại Quốc hội.<br>
Trong chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 15 -17/4, một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật là nội dung được thảo luận đầu tiên.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy một số góp ý của các vị đại biểu tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014) đã được tiếp thu.

Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội trong quá trình lập hồ sơ kiến nghị về luật, pháp lệnh. Theo đó, đại biểu Quốc hội tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Các vị có sáng kiến lập pháp cũng có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ kiến nghị về luật, pháp lệnh. Cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo luật nêu rõ.

Theo quy định của dự thảo luật thì kiến nghị về luật, pháp lệnh phải được thể hiện bằng văn bản. Trong đó, nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản, mục đích, yêu cầu của văn bản. Kiến nghị về luật, pháp lệnh được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến nay, cũng có một số vị đại biểu có kiến nghị về luật, song ngoài nguyên nhân chưa đủ sức thuyết phục về sự cần thiết còn có cả khó khăn về điều kiện thực hiện.
Bên cạnh vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tỏ rõ quan điểm trước một số quy định còn có ý kiến nhiều chiều khi thảo luận tại nghị trường.

Theo Ủy ban thì không nên giao cho Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao ban hành thông tư. Nhưng việc giao thẩm quyền cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành thông tư lại là cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị không quy định về thông tư liên tịch của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao với  bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Còn hình thức ghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục duy trì.

Khẳng định việc giao cho chính quyền cấp huyện thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản.

Với cấp xã, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những lý do là có nhiều văn bản quy phạm pháp luật loại này chỉ sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu chuyên trách, dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.