10:08 03/01/2013

Đại biểu Quốc hội với 2013: Ngừng “phung phí niềm tin”

Đỗ Mạnh Hùng

Điều rất quan trọng là đại biểu Quốc hội phải có đủ thông tin và quan trọng hơn là thông tin đó phải trung thực

Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu đoàn Thái Nguyên.<br>
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu đoàn Thái Nguyên.<br>
Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn rời rạc, niềm tin của cử tri không thể “phung phí” và đừng đẩy cái khó cho dân khi hoạch định chính sách… là tâm tư của một số vị đại biểu Quốc hội được VnEconomy ghi nhận khi cuốn lịch của 2012 đã sang trang cuối. Và dù ở cương vị nào, có hoạt động chuyên trách hay không, các vị đại diện cho dân vẫn đầy suy tư về hoạt động của Quốc hội trong năm 2013 này.

Liên quan đến những chủ đề trên, từ hôm nay (3/1/2013), VnEconomy xin lần lượt giới thiệu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, mở đầu là đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu đoàn Thái Nguyên.

2012 là năm bắt đầu thực hiện đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chắc chắn là chưa thể bứt phá như mong đợi nhưng rõ ràng Quốc hội đang đi đúng hướng là thực hiện đầy đủ hơn chức năng của mình. Quyết định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tác dụng chắc chắn sẽ phát huy tác dụng trong năm tới, sẽ tác động mạnh lên việc nâng cao trách nhiệm của hệ thống công quyền.

Bởi vì, bên ngoài các bản báo cáo tự đánh giá quá trình công tác được thì còn rất nhiều biểu hiện để đại biểu có thể “đo” sự tín nhiệm của các vị được lấy phiếu.

Ví dụ trong trả lời chất vấn, đại biểu gửi văn bản mà nếu anh chậm trả lời thì tín nhiệm của anh cũng giảm. Có nhiều việc khó có thể quy kết là anh sai phạm nhưng mức độ tín nhiệm thì anh không thể đổ lỗi cho ai được. Cũng có ý kiến lo ngại sẽ có chuyện “chạy” tín nhiệm, nhưng chạy làm sao được cả gần 500 đại biểu?

Tuy nhiên, cũng dễ hiểu khi còn có nhiều ý kiến chưa thực sự tin tưởng, không chỉ với việc lấy phiếu, bỏ phiếu. Bởi, như một vị đại biểu đã nói ở kỳ họp cuối năm 2012 là “ta đang phung phí niềm tin của nhân dân”, theo tôi thì đây cũng là suy nghĩ cuả rất nhiều đại biểu khác.

Bởi thế, không được phép phung phí niềm tin thêm nữa. Thời kháng chiến, dân tin vào Đảng tuyệt đối khi cán bộ rất gương mẫu, xả thân cống hiến, không ngại hy sinh, con em nhiều vị lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao cũng ra trận. Tôi còn nhớ một lần đến thăm gia đình liệt sỹ, anh ấy là con trai độc nhất, nhưng người cha làm bí thư đảng ủy vẫn động viên con ra trận ngay khi chiến tranh vô cùng ác liệt.

Những năm đầu thế kỷ này có khẩu hiệu rất hay “Đảng tận tụy vì dân, dân một lòng tin theo Đảng, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công”. Đảng tận tụy vì dân, dân mới đặt trọn lòng tin vào Đảng.

Còn hiện nay, những nhũng nhiễu tiêu cực, tệ nạn cứ có phong bì mới đựơc việc đang hàng ngày tác động đến tâm tư của nhân dân. Rồi yếu kém trong quản lý dẫn đến nhiều tập đoàn tổng công ty thua lỗ, lãng phí, không ít dự án đầu tư công như sân golf, cảng biển, xi măng… cứ như là thể hiện “nhóm lợi ích” gì đó, không phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.

Trong khi đó, tỷ lệ không nhỏ kiến nghị của cử tri cứ rơi vào im lặng, tôi có cảm giác cán bộ, công chức nhiều nơi không tôn trọng dân, coi thường dân, làm cho dân hoa mắt vì những quy định cứng nhắc chứ không có tinh thần phục vụ nhân dân. Tư duy “cai trị” trong bộ phận không nhỏ những người làm việc ở cơ quan hành chính đã dẫn đến  áp đặt, mất dân chủ, biểu hiện rất rõ qua vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng).

Thực tế này đòi hỏi Quốc hội phải nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động hơn nữa, để không rơi vào tình trạng “tráng men” khi giám sát, có trường hợp vô tình như “hợp thức hóa” cho sai phạm nếu không đi đến cùng vấn đề, vì chủ thể được giám sát có thể vin vào cớ là vấn đề đó Quốc hội đã giám sát tối cao rồi.

Một điều nữa cũng khiến tôi rất trăn trở là sau giám sát, đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị về tổ chức bộ máy, ví dụ thấy đơn vị này yếu kém thì có thể đề nghị sắp xếp lại bộ máy hay thay đổi nhân sự lãnh đạo, nhưng thực tế hầu như chưa có trường hợp nào kiến nghị này được đưa ra.

Tuy nhiên, tới đây khi việc lấy phiếu tín nhiệm dần dần đi vào nền nếp thì chắc là sẽ quan tâm hơn đến năng lực của tổ chức bộ máy và cá nhân khi tiến hành giám sát. Từ đó đại biểu mới có cơ sở đầy đủ hơn khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Để có thể hoàn thành tốt nhất những công việc của 2013, trong đó có sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai…, điều rất quan trọng là đại biểu Quốc hội phải có đủ thông tin và quan trọng hơn là thông tin đó phải trung thực. Còn như hiện nay, có lúc tôi cảm thấy thiếu niềm tin với số liệu của các cơ quan hữu quan. Ví như ở kỳ họp thứ tư vừa rồi tôi đã chất vấn rằng tại sao chỉ trong hơn một tháng, số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước qua thanh tra tại báo cáo về phòng chống tham nhũng đã tăng từ 141 tỷ lên 2.334 tỷ? Rồi kinh doanh xăng dầu, lỗ lãi không biết đâu là thực.

Tôi cũng kỳ vọng sẽ nhận được sự trợ giúp nhiều hơn của cử tri, vì theo kinh nghiệm của tôi, ở đâu có cử tri giỏi thì ở đó cũng xuất hiện đại biểu tốt. Cử tri giỏi là người có thể phát hiện vấn đề có thể nêu thành nguyện vọng ý chí của số đông, và khi giải quyết được sẽ có tác động tích cực đến tình hình chung. Điều rất quan trọng là đại biểu phải cảm nhận được nguyện vọng của cử tri để chuyển tải thành ý chí chung và niềm tin chung, quyền lực của đại biểu là ở chỗ đó.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được nguyện vọng của cử tri thì đòi hỏi hoạt động của hệ thống chính trị cũng phải dân chủ hơn. Qua kỳ họp thứ tư vừa qua, khi đi tiếp xúc cử tri cũng có người nhận xét “đại biểu nói mạnh quá”, nhưng đại biểu đại diện cho dân mà không nói thì ai sẽ nói đây? Vậy nên làm sao để có thể có cơ chế dân chủ hơn, cả trong Đảng, Quốc hội và hệ thống chính trị, đừng ngại có ý kiến khác nhau, nếu có yếu tố là trung tâm đoàn kết, thì các ý kiến khác nhau vẫn có thể quy tụ về lợi ích cho nhân dân, cho đất nước.

Kỳ tới: “Điểm không giống với nhiều nước là một số vị đại biểu Quốc hội Việt Nam đồng thời đang giữ trọng trách ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Vậy nên khi bước chân vào nghị trường phải tách được mình ra các cương vị hàng ngày, chỉ đặt mình ở vị trí đại diện cho dân thôi thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được cử tri giao phó”, suy nghĩ của Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang.