17:40 16/11/2015

Đại biểu truy bộ trưởng về nguy cơ “biến mất” môn sử

Nguyên Vũ

Ông Phạm Vũ Luận là người đầu tiên trả lời đại biểu Quốc hội, chiều 16/11

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội.<br>
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội.<br>
Nhận được chất vấn từ sáng, chiều 16/11 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận là người đầu tiên trả lời đại biểu Quốc hội.

Lịch sử có còn là môn độc lập?


Trong phiên họp sáng, trước khi chất vấn, đại biểu Lê Văn Lai phản ảnh, gần đây dư luận xã hội rất xôn xao hay nói đúng hơn là “xáo trộn tận tâm can” về một vấn đề rất nhạy cảm, đó là sự thay đổi cách giảng dậy bộ môn lịch sử, từ một môn học độc lập thành một môn học tích hợp.

“Xin Bộ trưởng cho biết trước phản ánh mạnh mẽ của dư luận xã hội về việc trên, Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn, tính ưu việt của nó?”, ông Lai đặt câu hỏi.

Đại biểu Lai cũng muốn biết, Bộ trưởng có dự định gì hoặc hoãn thực hiện chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dậy môn lịch sử trong trường phổ thông theo hướng thiết thực không? Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, ngành giáo dục không “hô biến” môn sử. Chỉ vì việc cải tiến sách giáo khoa theo hướng tích hợp, không đưa ra tên của môn học lịch sử trong chương trình, nên nhiều người nghi ngại như thế.

Theo Bộ trưởng, môn lịch sử không bị coi nhẹ. Hiện nay, học sinh trung học phổ thông  đang học 1,5 tiết lịch sử/tuần học. Hiện theo thăm dò ý kiến, các học sinh không học chuyên phân ban xã hội thì học 2,5 tiết sử/tuần, những học sinh học phân ban khoa học xã hội thì học 4 tiết/tuần và những tiết học này đều bắt buộc. Như vậy là nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử tăng lên.

Việc đưa môn sử vào nội dung giáo dục công dân và đạo đức là do chủ trương tích hợp chương trình. Trong giáo dục công dân thì cũng có lịch sử quốc phòng nên môn sử được đưa vào đây để tránh trùng lắp, ông Luận giải thích.

Ngoài việc đặt ở môn học này thì các môn học khác, Bộ trưởng khẳng định, cũng đưa vào nội dung về lịch sử. Như môn văn học, theo Bộ trưởng, nếu giảng “Hịch tướng sỹ” mà không gắn với lịch sử thì làm mất đi không khí tác phẩm, mất đi thụ cảm của học sinh. Tương tự, dạy địa lý, các môn văn học cũng sẽ gắn với lịch sử. Ví dụ học văn thể mỹ, với bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương” cũng sẽ không đảm bảo sự thụ cảm nếu không biết về lịch sử.

“Vấn đề cần thảo luận chỉ là xem để riêng môn này hay gắn với các môn khác còn dung lượng, kiến thức không hề giảm”, Bộ trưởng giải thích.

Không trực tiếp điều hành, song trước câu trả lời khá dài của Bộ trưởng Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi rằng, môn lịch sử còn được đặt là môn học độc lập hay không?

“Về vấn đề này, Bộ đang nghe góp ý và sẽ báo cáo Chính phủ khi nghe ý kiến của các cơ quan liên quan như Hội đồng Lý luận giáo dục Trung ương, các chuyên gia lịch sử, giáo dục… để có quyết định cuối cùng vì đây là vấn đề rất lớn”, ông Luận đáp.

Nhấn nút tái chất vấn, đại biểu Lê Văn Lai cho rằng việc tích hợp môn lịch sử, như Bộ trưởng nói là coi trọng hơn môn học này chứ không phải coi nhẹ. Nhưng việc thời lượng dạy thì chỉ là một yếu tố. Thực tế việc giảng dạy lịch sử, quyết định chất lượng, hiệu quả như nào là việc bồi dưỡng đội ngũ thầy giáo.

Chưa có thông tin về việc chuẩn bị này khiến phụ huynh lo lắng. Dạy chính thức, có thầy chuyên môn mà còn chưa hiệu quả thì việc lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” có đảm bảo được không? Theo đại biểu Lai, yêu cầu này để đảm bảo được là quá khó.

Vẫn là chất vấn của đại biểu Lai với bản dịch mới gây tranh cãi về bài thơ “Nam Quốc sơn hà” trong sách giáo khoa phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hồi âm là chưa nắm được, song việc làm sách giáo khoa mà đưa vào những thay đổi không cần thiết, không hiệu quả thì sẽ không xem xét thực hiện theo hướng đó.

“Tại sao lại phải thay một bản dịch đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người bằng bản dịch mới mà chất lượng không đạt yêu cầu, làm giảm đi giá trị bài thơ gốc?”, đại biểu Lai vẫn băn khoăn.

Áp lực và căng thẳng?

Băn khoăn về tính pháp lý của báo cáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đến đại biểu không có số, không người ký và đóng dấu treo, đại biểu Nguyễn Thái Học dẫn nhận định từ báo cáo này về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 là cơ bản đạt mục tiêu đề ra, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội.

“Trong khi dư luận xã hội cho rằng đó là kỳ thi đầy áp lực và căng thẳng thì dựa trên cơ sở nào khẳng định như vậy?”, đại biểu Học chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho rằng trước đây việc tổ chức 2 kỳ thi sẽ thành 4 đợt mà trung bình 1 học sinh sẽ phải thi 12 môn, thi ở các thành phố lớn. Nay với việc tổ chức kỳ thi chung, học sinh chỉ thi tối đa 8 môn, phổ biến là 5 môn, đỡ áp lực nhiều. Cùng với việc thi tại chỗ, việc thay đổi hướng ra đề để kiểm tra tư duy, năng lực đã khiến việc những “lò luyện” ở các thành phố lớn rất rầm rộ trước đây gần như chấm dứt tuyệt đối.

“Tình trạng phao thi trắng sân trường như những năm trước đây cũng thay đổi hẳn qua lần thay đổi này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng bấm nút lần hai, đại biểu Học nhận xét, sau khi có kết quả thì “việc rút hồ sơ vào, rút hồ sơ ra còn căng thẳng hơn là chơi chứng khoán”. Chi phí này có được Bộ Giáo dục và Đào tạo tính vào không? “Tôi tin rằng chi phí mỗi gia đình cho kỳ thi này của con em không hề nhỏ, mà trả lời như vậy chưa thật sự thuyết phục, chưa thể làm yên lòng dân”, ông Học nói.

Bộ trưởng Luận khẳng định, “với những cháu có thi tốt nghiệp và thi đại học thì giảm tốn kém là việc được xác định rồi. Còn với học sinh thi tốt nghiệp không thì chỉ ở địa phương, không phải đi đâu”.

“Còn nói về việc báo chí ví học sinh, phụ huynh căng thẳng như chơi chứng khoán thì chỉ có ở khoảng 8% các cháu dự thi ở 30 trường đại học nhóm đầu, chứ không phải là phổ biến”, Bộ trưởng trả lời.