11:49 12/01/2010

“Đại dịch cúm” A/H1N1 chỉ là “tin vịt”?

Mai Phương - Y Nhung

Liệu có chuyện các tập đoàn dược phẩm lớn đã “phịa” ra chuyện cúm A/H1N1 trở thành đại dịch?

Tiêm phòng cúm A/H1N1 tại Anh.
Tiêm phòng cúm A/H1N1 tại Anh.
Các nhà chức trách châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc họp khẩn cấp để xác định xem liệu có chuyện các tập đoàn dược phẩm lớn đã “phịa” ra chuyện cúm A/H1N1 trở thành đại dịch nhằm kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán vaccine chống lại căn bệnh này.

Tờ Guardian của Anh đưa tin, cuộc họp nói trên dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng 1 này. Trong cuộc họp, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận một nghị quyết cáo buộc các “đại gia” dược phẩm dựa vào một số quan chức của ngành y tế để đưa những cảnh báo giả mạo lên chính phủ các nước về mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1.

Cuộc họp của các nhà chức trách châu Âu được lên lịch sau khi Chính phủ Anh cho biết, họ chưa biết làm thế nào với 20 triệu liều vaccine chống cúm A/H1N1 dư thừa mà họ đã đặt mua ở thời kỳ bùng nổ của trận dịch.

 “Chính phủ các nước đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine, theo đó chính phủ phải đặt hàng trước và phải chịu gần như toàn bộ trách nhiệm trong hợp đồng. Bằng cách này, các công ty dược chắc chắn kiếm được lợi nhuận khổng lồ mà chẳng phải chịu bất kỳ rủi ro tài chính nào ngoài việc đợi WHO công bố đại dịch và thực hiện hợp đồng”, ông Wolfgang Wodarg, người đứng đầu cơ quan y tế thuộc Hội đồng châu Âu, phát biểu trên tờ Daily Mail của Anh.

Chính ông Wodarg là người đã đề xuất bản nghị quyết buộc tội các tập đoàn dược phẩm mà các quan chức châu Âu sắp thảo luận trong cuộc họp khẩn cấp. Ông cho rằng, H1N1 chỉ là “một trận dịch nhẹ chứ không phải là một đại dịch”.

Tuần trước, Đức và Pháp tuyên bố họ đã cắt giảm đơn đặt hàng hoặc bán lại số vaccine chống cúm A/H1N1 dư thừa. Hiện Chính phủ Anh đang bàn thảo với nhà cung cấp về việc giảm đơn đặt hàng và bán lại vaccine. Chính phủ Mỹ cũng vừa tuyên bố sẽ giảm một nửa lượng vaccine chống cúm đã đặt mua từ hãng CSL của Australia.

Cổ phiếu của các hãng sản xuất vaccine chống cúm A/H1N1 như GlaxoSmithKline, Sanofi-Aventis, CLS, AstraZeneca, Novartis, GKS, Baxter... đã suy giảm khá mạnh trên thị trường chứng khoán sau khi có thông tin trên. Hãng GlaxoSmithKline trước đó ước tính doanh số bán vaccine chống cúm A/H1N1 trong hai năm 2009 và 2010 tại hơn 70 quốc gia lên tới 2 tỷ Bảng.

Tới thời điểm này, ảnh hưởng của virus H1N1 đã không nghiêm trọng như dự kiến ban đầu. Ban đầu, người ta dự báo sẽ có 65.000 người tử vong ở Anh vì căn bệnh này ở thời điểm đỉnh cao của trận dịch, nhưng tới nay, con số tử vong dự báo đã được giảm xuống chỉ còn 1.000 trường hợp. Theo thống kê mới nhất, tổng số người chết vì cúm A/H1N1 tại Anh mới là 360 người.

Các nhà chức trách Mỹ đã đặt hàng 251 triệu liều vaccine chống cúm A/H1N1 từ 5 hãng dược phẩm và đã được giao hàng 136 triệu liều. Hơn 60 triệu người Mỹ đã được tiêm loại vaccine này.

Phản ứng của WHO

Trước thông tin gần đây được đăng tải trên các phương tiện thông tin của nước ngoài cho rằmg cúm A/H1N1 là một đại dịch không có thật, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chính thức có văn bản phản hồi.

TS. Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình bùng phát dịch này. Một đại dịch được công bố khi có các vụ bùng phát dịch ở cấp độ cộng đồng được xác nhận do một loại virus cúm mới gây ra, lây truyền từ người sang người, tại ít nhất là hai quốc gia trên hơn một vùng do WHO quản lý.

Một số nhầm lẫn có thể xuất phát từ thực tế là đã có một tài liệu trên website của WHO đã cho rằng một đại dịch có thể bao gồm: “Số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong”. Tuy nhiên sau đó, WHO nhận thấy thông tin này là chưa chính xác nên đã gỡ bỏ.

Về lý do tổ chức này ra tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch là do các quyết định sớm được thực hiện trong tình trạng hoàn toàn không chắc chắn. “Đây không phải là một lời biện minh mà là sự thực”, TS. Jean-Marc Olivé khẳng định. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi không biết liệu đó là một căn bệnh nặng hay nhẹ, WHO đã phải có những hành động và khuyến nghị.

Tuy nhiên, WHO cũng luôn đánh giá tác động của đại dịch cúm A/H1N1 là “vừa phải” và khuyến cáo cán bộ y tế, người dân, và các phương tiện truyền thông đại chúng rằng: đại đa số bệnh nhân bị bệnh tương tự cúm nhẹ và phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần bất kỳ hình thức điều trị y tế nào.

Còn vì sao WHO vẫn khuyến cáo phải tiêm chủng là do tổ chức này cần có các giải pháp và công cụ tốt nhất để bảo vệ tính mạng con người. Những công cụ đó chính là vaccine và thuốc kháng virus. Ông Jean-Marc Olivé cho biết thêm: do vaccine không được sản xuất bởi các chính phủ hoặc các lĩnh vực công cộng, mà là do các công ty tư nhân, nên WHO đã làm việc với các công ty này tại cả các nước phát triển và một số nước đang phát triển.

WHO cũng đã yêu cầu tất cả các chuyên gia tư vấn cho tổ chức này phải công bố các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính, bao gồm nguồn tài chính thu được từ các công ty dược phẩm hoặc các cơ quan tư vấn hay các hình thức liên hệ về chuyên môn khác với các công ty dược phẩm. Thông tin này được chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm tư vấn và được WHO lưu tâm khi quyết định xem liệu các chuyên gia đó có thể tiếp tục tư vấn cho tổ chức hay không.

WHO cũng khẳng định, mặc dù tốc độ lây lan của dịch cúm A/H1N1 đã giảm ở khu vực Bắc Mỹ, loại virus này vẫn hoạt động mạnh ở các khu vực trung, đông và đông nam châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Á.

Cảnh báo "thái quá"?

Còn theo nhìn nhận của GS.TS Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, trước tình hình dịch cúm A/H1N1 có nguy cơ lan rộng, với chức năng của mình, WHO buộc phải đưa ra các cảnh báo. Nhưng ngay tại thời điểm đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cũng chỉ khuyến cáo: trẻ em khi có những triệu chứng: ho, sốt, khó thở và thở nhanh; da tự nhiên xám lại; không muốn uống nước, nôn nhiều, nôn liên tục; nằm thờ ơ không chú ý đến xung quanh và không muốn ngồi dậy thì phải khẩn trương đưa tới các cơ sở y tế.

Đối với người trưởng thành có các biểu hiện như: khó thở, thở hổn hển; đau bụng, đau ngực; chóng mặt; sốt nhẹ nhưng có biểu hiện nói lẫn; nôn liên tục kéo dài; sốt cao kéo dài mới cần đưa tới các cơ sở y tế để phân lập virus xem có đúng là nhiễm cúm A/H1N1 hay không.

Thống kê của CDC cho thấy, mỗi năm, chỉ bệnh cúm mùa (chủng cúm vẫn lưu hành tại địa phương) đã cướp đi sinh mạng của khoảng 36.000 người dân Mỹ và khoảng 200.000 người phải nhập viện do các biến chứng của bệnh cúm này.

Trên thực tế, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, những người đã tử vong do cúm A/H1N1 chủ yếu là người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và những người có bệnh mãn tính như hen, tiểu đường…