11:40 18/01/2011

Đại hội XI: Biểu quyết để thống nhất đặc trưng kinh tế

Nguyên Hà

Đại hội XI đã tiến hành biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án về đặc trưng kinh tế của xã hội chủ nghĩa

Đại biểu Lê Đức Thúy phát biểu về vấn đề sở hữu trong Cương lĩnh - Ảnh: LQP.
Đại biểu Lê Đức Thúy phát biểu về vấn đề sở hữu trong Cương lĩnh - Ảnh: LQP.
Tại phiên họp sáng nay (18/1), Đại hội Đảng XI đã tiến hành biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án “về đặc trưng kinh tế của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng”.

Đây cũng là vấn đề được tranh luận khá sôi nổi tại Đại hội, với quan điểm khác dự thảo Cương lĩnh và đề nghị phải “thảo luận cho ra nhẽ và biểu quyết để đi đến thống nhất” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tại phiên thảo luận đầu tiên ở hội trường đại hội.

Tiếp sau đó đã có thêm những ý kiến khác nhau về đặc trưng này. Cuối phiên thảo luận chiều 14/1, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị “vấn đề chưa được làm rõ thì chưa đưa vào văn kiện”.

Theo báo cáo tiếp thu giải trình của Đoàn chủ tịch Đại hội về ý kiến thảo luận của các đại biểu đối với các văn kiện Đại hội XI, đa số ý kiến đồng tình thể hiện như trong dự thảo: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.

Một số ý kiến đề nghị thể hiện như Đại hội X: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp”.

Báo cáo của Đoàn chủ tịch Đại hội cho biết, trong quá trình chuẩn bị Đại hội, vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần, và mới đây Hội nghị Trung ương 14 đã biểu quyết với 55,6% ý kiến nhất trí như dự thảo, nhằm nói rõ mục tiêu phải đạt được khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Quan điểm của Đoàn chủ tịch là thể hiện như Đại hội X tuy phù hợp với chính sách phát triển các thành phần kinh tế của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay, tránh được cách hiểu coi nhẹ đối với khu vực kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân, nhưng lại có phần trừu tượng, không rõ đến khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, quan hệ sản xuất phù hợp lúc đó là như thế nào.

Vì vậy, Đoàn chủ tịch đề nghị Đại hội cho biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án. Phương án 1 như dự thảo Cương lĩnh, phương án 2 như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ “tiến bộ” trước từ “phù hợp”.

Có ý kiến ngay sau khi nghe báo cáo giải trình, đại biểu Lê Đức Thúy cho rằng, phương án 1 có vẻ như cụ thể nhưng thực ra không cụ thể, vì ngay như công hữu là gì cũng là vấn đề còn đang phải tiếp tục nghiên cứu.

“Nói công hữu dễ làm liên hệ với quốc doanh hóa, tập thể hóa”, ông Thúy lo ngại.

Đại biểu Thúy cũng cho rằng theo tinh thần Đại hội X cũng chưa phải là cụ thể, nhưng đã mở rộng đường hơn cho việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, vì thế nên “chấp nhận phương án 2”.

Nhắc lại là Trung ương đã thảo luận nhiều lần và đã biểu quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị đại biểu thể hiện chính kiến qua phiếu biểu quyết vì không đủ thời gian để có thể tiếp tục tranh luận tại Đại hội.

Ngay sau đó, các đại biểu đã ghi phiếu biểu quyết để chọn một trong hai phương án được Đoàn chủ tịch đề nghị.

Bên cạnh nội dung nói trên, Đoàn chủ tịch cũng đề nghị Đại hội biểu quyết một số vấn đề khác, còn có ý kiến khác nhau, liên quan đến tên gọi của Cương lĩnh, thẩm quyền kỷ luật đảng viên của cấp ủy các cấp...