17:04 17/11/2014

“Đánh giá Bộ trưởng, tôi chỉ đánh dấu vào ô tín nhiệm!”

Nguyên Hà

Một đại biểu đã công khai sự lựa chọn của mình trong lá phiếu kín đánh giá tín nhiệm Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn chiều 17/11 tại Quốc hội.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn chiều 17/11 tại Quốc hội.
Các nhóm vấn đề đều khá khô khan, song phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chiều 17/11 tại Quốc hội cũng có những lúc khá “vui”.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Đồng Hữu Mạo tập trung “truy” Bộ trưởng Bộ Công Thương là những hạn chế, yếu kém trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Chất vấn dành được đại biểu Mạo đặt ra là Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là ngành mũi nhọn, nhưng vì sao, nhiều năm qua chưa thấy đột phá nào đáng kể, có phải do còn thiếu chính sách, nếu đúng thì trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao?

Ở câu trả lời, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận thời gian qua công nghiệp hỗ trợ có nhiều vấn đề, dù về chính sách đã có sự quan tâm. Năm 2011, Chính phủ đã ban hành quyết định số 12 về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, sau đó có quyết định về 6 nhóm hàng hóa sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: ô tô, hàng nhựa, sản phẩm cơ khí… Nhưng do cấp độ pháp lý các chính sách này còn đang thấp, còn chưa có cả nghị định.

“Rõ ràng, chính sách chúng ta có nhưng chưa đầy đủ nên chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo tiếp tục nhấn nút, đề nghị Bộ trưởng trả lời phần còn thiếu là trách nhiệm của Bộ.

“Vừa qua, ghi phiếu đánh giá tín nhiệm Bộ trưởng, tôi chỉ đánh dấu vào ô "tín nhiệm", tôi không chọn mức "tín nhiệm cao" vì nhiều vấn đề chưa ưng ý, do Bộ trưởng chưa kiên quyết lắm!”, ông Mạo không ngần ngại công khai sự lựa chọn của mình trong lá phiếu kín dành cho Bộ trưởng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lắng nghe và ông hơi mỉm cười. Tiếp tục trả lời câu hỏi về trách nhiệm, Bộ trưởng nói, “chúng tôi có tham mưu chính sách cho Chính phủ, Quốc hội, song còn có những hạn chế trong đó có trách nhiệm của chúng tôi”.

Cũng nhấn nút hơn một lần là đại biểu Nguyễn Thị Khá. Lần đầu thì đại biểu Khá chất vấn về tỷ lệ nội địa hóa từng ngành. "Phải chăng Việt Nam đang là bãi rãi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, thuê nhân công giá rẻ?", bà Khá đặt vấn đề.

Bộ trưởng trả lời, ở từng lĩnh vực, tỷ lệ nội địa hóa khác nhau. Như ngành ô tô, xe khách đã được khoảng 40%, xe tải nông dụng, chuyên dùng đã được 70%, xe ô tô con thì tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chậm, đây là là yếu tố không thành công.

Với xe máy, Bộ trưởng cho hay tỷ lệ nội địa hóa đã được khoảng 90%, mỗi năm xuất khẩu 150 nghìn xe ra nước ngoài với kim ngạch trên 290 triệu USD. Xe máy phát triển đến mức đẩy bật được hàng ngoại, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến ý thứ hai của đại biểu Khá về một số mặt hàng Việt Nam sản xuất được nhưng bị cạnh tranh bởi hàng lậu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối, lực lượng quản lý thị trường cố gắng nhưng chưa giải quyết được, hiệu quả chưa cao.

“Tôi đã nhận trách nhiệm trong báo cáo phục vụ đánh giá tín nhiệm về vấn đề này”, Bộ trưởng thông tin.

Nêu thực trạng tỷ lệ vi phạm ở thị trường trong nước năm sau cao hơn năm trước, và vẫn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng cũng giải thích thị trường Việt Nam có độ mở lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng là một xu thế, đi cùng xu hướng đó, có nhiều phần tử làm ăn không đúng đắn trong nước và ngoài nước lợi dụng đưa hàng lậu, hàng giả vào thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng cũng “thanh minh” là do lực lượng quản lý thị trường về phương tiện vừa yếu vừa thiếu nên đấu tranh còn hiệu quả chưa cao. Điển hình về thiếu phương tiện, ví dụ đi kiểm tra phân bón, có nơi anh em phải kiểm tra bằng miệng.

Bộ trưởng cũng nói thêm là không loại trừ quản lý thị trường có tình trạng tiêu cực, làm không hết trách nhiệm, bao che cho sai phạm, nên hiệu quả công tác này chưa cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá đứng dậy lần thứ hai: “Bộ trưởng nói phải kiểm định phân bón bằng miệng, thế thì thuốc trừ sâu phải kiểm định bằng gì?”.

“Chúng ta thiếu thiết bị kiểm tra, không chỉ với phân bón vô cơ mà cả thực phẩm, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Hiện nay, ngân sách còn khó khăn, việc bổ sung thiết bị cho ngành quản lý thị trường còn phải từng bước”, Bộ trưởng đáp.

Giờ giải lao ngay sau đó, đại biểu Khá chia sẻ với báo chí rằng câu trả lời thiếu phương tiện của Bộ trưởng là khó chấp nhận, bởi trang bị phương tiện làm việc là trách nhiệm của ngành, của nhà nước, cho đến tận bây giờ mà còn thô sơ đến mức phải kiểm nghiệm bằng miệng, là điều không hiểu nổi.

Về sự “tiết lộ” công khai của đại biểu Đồng Hữu Mạo với mức tín nhiệm Bộ trưởng, một số vị đại biểu cho rằng “là bình thường”, để Bộ trưởng hiểu thêm lý do chưa được đại biểu tín nhiệm cao là gì, từ đó có giải pháp khắc phục.

Không “trúng” nhóm vấn đề được định sẵn, đại biểu Đỗ Văn Đương hỏi dư luận có nói công trình thủy điện Hòa Bình làm việc cầm chừng trong khi nhập điện Trung Quốc với giá cao, thực tế này có đúng không, có lãng phí không, nếu đúng thì có lợi ích nhóm không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng quả quyết ý kiến này không có cơ sở. Mục tiêu khi Quốc hội quyết định xây dựng công trình thủy điện lớn như Hòa Binh, Sơn La, Lai Châu là tận dụng thủy năng để phát điện, để cấp nước cho hạ du, chống lũ. Cho nên, không có lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các nhà máy lớn này.

Riêng thủy điện Hòa Bình, từ khi  xây dựng đến nay, sản lượng hàng năm 9-10 tỷ kwh, bao giờ cũng đạt, không có cầm chừng. Thủy điện Sơn La 3 năm qua, năm nào cũng phát trên sản lượng thiết kế, các thủy điện khác cũng vậy, Bộ trưởng khẳng định.