09:45 01/04/2016

Đẩy khai thác dầu thô vì ngân sách khó khăn?

Nguyên Vũ

Ngày 1/4, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tinh hình kinh tế xã hội 2015 và kế hoạch 2016

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 150 ngàn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu ngân sách.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 150 ngàn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu ngân sách.</span>
Giá dầu chỉ đủ phí khai thác thì có cần thiết đẩy sản lượng khai thác lên bằng mọi giá để cân đối ngân sách hay không là câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội 2015 và kế hoạch 2016.

Báo cáo tổng hợp các ý kiến thảo luận tổ về nội dung này vừa được hoàn thành và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, trước thềm phiên thảo luận toàn thể sáng 1/4.

Nói nợ công kịch trần mới đúng

Tổng hợp ý kiến từ tất cả các tổ thảo luận cho thấy nỗi lo về túi tiền quốc gia là không hề nhỏ.

Đoàn thư ký kỳ họp phản ánh, có ý kiến cho rằng, báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ nhận định năm 2015 vượt thu ngân sách. Tuy nhiên, nguồn thu vượt đó không bền, không phải là nguồn thu thường xuyên chủ yếu, mà là thu từ nợ tiền đất do thị trường bất động sản phục hồi và thu tiền sử dụng đất của một số đơn vị quốc phòng, công an, tổ chức, cơ quan nhà nước.

Theo đại biểu khác, với mức giá bán dầu thô là 35-40 USD/thùng thì chỉ đủ trang trải chi phí khai thác, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro cũng đã đề nghị đóng một số mỏ để hạn chế công suất khai thác. 

Tuy nhiên, trong năm 2015 vẫn khai thác vượt 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch. Đại biểu đề nghị đánh giá, cân nhắc việc có cần thiết phải đẩy sản lượng khai thác lên bằng mọi giá để cân đối ngân sách không.

Có ý kiến đề nghị phải đánh giá về nợ công là tăng nhanh và tăng gần như kịch trần mới phản ánh đúng thực chất tình hình, báo cáo nêu rõ.

Phân tích của vị đại biểu nêu ý kiến trên là năm 2015, nợ công là 62%, (trong khi ngưỡng giới hạn nợ công của giai đoạn 2020 chỉ là 65%).

Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 150 ngàn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu ngân sách, nhưng nếu cộng cả vay để đảo nợ 95 ngàn tỷ đồng thì tổng nợ đã lên đến 245 ngàn tỷ đồng, chiếm 24% tổng thu ngân sách (trong khi ngưỡng cho phép là 25%).

Vẫn sốt ruột với doanh nghiệp nhà nước

Như mọi năm, phiên thảo luận tổ đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn còn chậm, một số nơi còn hình thức, tỷ trọng vốn bán ra ngoài thấp, gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước. 

Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ về vấn đề này và chưa đưa ra số liệu chính thức về các khoản vay, nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại. Dù có nhiều quyết tâm, song việc triển khai định hướng cho doanh nghiệp vẫn còn chậm việc sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động doanh nghiệp còn hạn chế, đại biểu nhận xét.

Một số vị đại diện của dân nhìn nhận, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến những hạn chế rất lớn là khối doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhiều nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa tương xứng, ngày càng giảm. 

Theo một số vị đại biểu thì việc xóa nợ cho các doanh nghiệp nhà nước dễ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp có tâm lý trông chờ, ỷ lại để được hưởng chính sách xóa nợ thuế. Do đó, cần có cách phân loại đúng đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ để bảo đảm thực hiện các chính sách có hiệu quả, thiết thực. 

Với  doanh nghiệp tư nhân, nhiều ý kiến nhìn nhận, khối này có vai trò rất quan trọng, có nhiều đóng góp tích cực về hiệu ứng xã hội đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quy mô doanh nghiệp tư nhân ngày càng thu hẹp, khả năng thích nghi kém kinh tế tư nhân ít được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. 

Đáng chú ý là báo cáo của Chính phủ cũng chưa đề cập đến tình hình phát triển kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, một số vị đại biểu lo ngại các doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều chính sách ưu đãi so với các doanh nghiệp trong nước, nhưng sự đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp FDI có hiện tượng chuyển giá, gian lận thuế. 

Vì thế, bên cạnh đề nghị cần có chính sách thuận lợi hơn cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phải giảm bớt chính sách ưu đãi đối doanh nghiệp FDI và quản lý chặt chẽ tình trạng gian lận thuế và chuyển giá của các doanh nghiệp này.