06:53 22/05/2012

Đề nghị sửa Luật Doanh nghiệp trong nhiệm kỳ Quốc hội 13

Nguyễn Lê

Thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp này, tiếp tục lùi thời hạn sửa Luật Đất đai theo đề nghị của Chính phủ

Luật Biển Việt Nam sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp Quốc hội thứ ba.
Luật Biển Việt Nam sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp Quốc hội thứ ba.
Thông qua Luật Biển Việt Nam tại kỳ họp này, tiếp tục lùi thời hạn sửa Luật Đất đai theo đề nghị của Chính phủ...dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh chương trình 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại phiên họp chiều 21/5.

Theo đó, ngay trong năm 2012 cũng đã có sự điều chỉnh đáng kể. Đáng chú ý là với Luật Biển Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cơ bản đã được chuẩn bị xong, các cơ quan hữu quan nhận thấy có đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ ba này. Do đó, Ủy ban đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình năm 2012 để thông qua tại kỳ họp thứ ba.

Đề xuất lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Luật đất đai (sửa đổi) của cơ quan trình dự án cũng được chấp thuận.

Đặc biệt, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý lùi khi thảo luận tại nghị trường. Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nói "đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm".

Theo Ủy ban, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, hạn chế bất cập hiện nay liên quan đến các nội dung của Luật Đất đai. Một số nội dung quan trọng của dự án như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai nên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Với chương trình xây dựng luật toàn khóa, từ ý kiến của các cơ quan và đại biểu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Ban hành quyết định hành chính.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm thực hiện đột phá chiến lược xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 là phù hợp với định hướng khi lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13, Ủy ban lý giải.

Còn bổ sung dự án Luật Ban hành quyết định hành chính sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến ban hành quyết định hành chính, hạn chế để xảy ra các sai sót từ phía cơ quan nhà nước khi ban hành quyết định hành chính góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Các dự án được đề nghị chưa đưa vào chương trình là Luật Cảnh vệ, Luật Kiến trúc sư, Luật Chống bán phá giá, Luật Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, Pháp lệnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”...

Đối với các dự án Luật Chống bán phá giá, Luật Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, Pháp lệnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp... Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là những dự án  nếu được xây dựng sẽ góp phần vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ về các dự án này chưa được hoàn chỉnh như về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các nội dung cơ bản, chưa có các tài liệu kèm theo và chưa có ý kiến của Chính phủ về các dự án này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội đưa vào Chương trình khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.