10:10 28/04/2014

“Điều lạ lùng” không xa lạ với kinh tế Việt Nam

Nguyễn Lê

Việc chấp nhận trả giá để khôi phục và duy trì ổn định vĩ mô trong hai năm nay là điểm sáng

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên - Ảnh: Công Khanh.<br>
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên - Ảnh: Công Khanh.<br>
Là người đầu tiên đăng đàn tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, khai mạc sáng 28/4 tại Hạ Long (Quảng Ninh), Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên giờ chót gửi đến ban tổ chức bài trình bày có khá nhiều điểm khác so với bản tham luận đã chuẩn bị trước đó.

Cho rằng nền kinh tế vẫn trong vùng đáy tăng trưởng, khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu kém và buộc phải trả giá để tái lập lại, ông Thiên chỉ ra một điều rất lạ lùng đối với hầu hết các nền kinh tế trong thế giới hiện đại nhưng lại không hề xa lạ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Đó là đồ thị tăng trưởng GDP theo quý cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý 4, thì sang quý 1 năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác, khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại “hỳ hục” bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một “cú rơi” mới vào đầu năm sau.

Ẩn phía sau sự “nhịp nhàng” chu kỳ này là tổ hợp của nhiều nguyên nhân, mà nổi bật nhất chính là cách nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi một loại động cơ “độc đáo” đến mức “độc nhất vô nhị”: “chủ nghĩa thành tích”, ông Thiên viết tại tham luận.

Đề cập đến các nút thắt cần giải quyết, ông Thiên đặc biệt nhấn mạnh đến nợ xấu và nợ công đang đều "nghiêm trọng".

Hai món nợ này đều có vấn đề là chưa thực sự rõ ràng, số liệu về nợ là đang khác nhau, sai số quá lớn và chuẩn mực đo không thống nhất, xu hướng gia tăng nhanh, ông Thiên nói.

Dẫn con số nợ xấu, bao gồm cả cơ cấu lại đến cuối tháng 2/2014 là 9,7%, vị diễn giả này cũng lo ngại khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không thể xử lý nhanh nợ xấu. Còn với nợ công, ông Thiên cho rằng nguy cơ cũng đáng báo động, nằm ở quan điểm không chuẩn, ở tốc độ tăng nợ, vay để trả nợ chứ không phải để sản xuất, tỷ lệ nợ ngắn hạn quá lớn trong khi năng lực trả nợ của Chính phủ và doanh nghiệp đều có vấn đề.

Tăng trưởng tín dụng thấp và sự vô cảm của tỷ giá với lạm phát, theo Viện trưởng Thiên, cũng là hai điểm nghẽn rất khó tháo gỡ.

Về điểm sáng để tạo lòng tin, diễn giả Trần Đình Thiên đề cập đầu tiên là sự chấp nhận trả giá để phục hồi ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó là tiếp cận mới đến tái cơ cấu nền kinh tế, thể hiện rất rõ qua thông điệp của Thủ tướng đầu năm nay.

Dứt khoát là không để tắc nghẽn vĩ mô, ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ tái cơ cấu, phải có tư duy rất triệt để cho đột phá, ông Thiên mạnh mẽ đề nghị.

Đồng tình là tình hình đã có chuyển biến, song nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng sức khỏe của nền kinh tế đang quá mỏng manh. Và điểm sáng trong lòng tin cũng chưa rõ. Chủ trương rõ rồi nhưng cần cụ thể hóa cho nhanh, thực hiện cho có kỷ cương thì mới tạo động lực, ông Kiêm góp ý.

Phục hồi kinh tế còn rất mong manh cũng là nhận định của TS. Lê Đăng Doanh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng không nên có sự ngộ nhận về sự hồi phục, bởi nông nghiệp đang rất là khó khăn, và cũng không thấy có khả năng nào giải quyết các điểm tắc nghẽn của nợ xấu. Lòng tin xuống rất thấp, ông Doanh nhận định.

Đề nghị cần có các giải pháp nhanh hơn cho các "cục máu đông" của nền kinh tế, vị chuyên gia này cho rằng cần có kịch bản rõ ràng và “không thể tay không bắt giặc, phải có tiền tươi thóc thật để giải quyết nhanh hơn hiệu quả hơn” các vấn đề của nền kinh tế.

Trước đó, trong lời khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, cải cách thể chế - chủ đề được chọn cho diễn đàn này - rất phù hợp với yêu cầu của đất nước.

Ông bày tỏ mong muốn nhận được nhiều đề xuất giải pháp mới từ các chuyên gia tâm huyết và thân thuộc với Diễn đàn để hình thành báo cáo thẩm tra sẽ báo cáo trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu.