12:02 27/01/2010

Đô thị và dân nhập cư

Ở góc độ quản lý xã hội của nhà chức trách, việc nhập cư ồ ạt vào các thành phố không phải là hiện tượng đáng khuyến khích

Để kiểm soát, điều tiết di dân trên cơ sở tôn trọng quyền tự do đi lại, cư trú của công dân một cách có hiệu quả, nhà chức trách dùng các công cụ kinh tế, xã hội là chính - Ảnh: Getty Images.
Để kiểm soát, điều tiết di dân trên cơ sở tôn trọng quyền tự do đi lại, cư trú của công dân một cách có hiệu quả, nhà chức trách dùng các công cụ kinh tế, xã hội là chính - Ảnh: Getty Images.
Ở góc độ quản lý xã hội của nhà chức trách, việc nhập cư ồ ạt vào các thành phố không phải là hiện tượng đáng khuyến khích.

Ngoài nguy cơ làm mất cân đối cơ cấu lao động xã hội, nó còn có thể tác động xấu đến khung cảnh sống tại các đô thị do sự hình thành và bành trướng tự phát của các khu ổ chuột, nơi nương thân của những người lao động nhập cư nghèo.

Bởi vậy, tổ chức, điều tiết di dân hợp lý trong phạm vi lãnh thổ quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà chức trách, với tư cách là người cầm trịch quá trình phát triển của nền kinh tế, của xã hội.

Nhưng mặt khác, tự do đi lại, cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân trong xã hội có tổ chức. Trong chừng mực tôn trọng các chuẩn mực pháp lý, đạo đức chi phối ứng xử của mình trong các quan hệ công và tư, người lao động –công dân có quyền tìm đến bất kỳ nơi nào có cuộc sống, công việc làm ăn thích hợp.

Theo đúng bản năng sống, con người luôn có xu hướng di chuyển về những nơi được cho là có điều kiện sống tốt nhất đối với mình. Có thể hiểu tại sao quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá đồng thời cũng là quá trình gia tăng dân số cơ học của các thành phố lớn, do sự di dân. Cơ sở hạ tầng tốt, cơ hội việc làm phong phú, đa dạng, thu nhập cao, điều kiện thăng tiến thuận lợi và nhiều yếu tố khác nữa tạo ra sức hấp dẫn của đô thị so với nông thôn. Ở nhiều nước phát triển, đa số cư dân vùng nông thôn là những người già; còn lớp trẻ đổ xô ra thành thị.

Trong điều kiện đất chật người đông, cuộc mưu sinh và lập nghiệp hay, nói cách khác, cuộc cạnh tranh để sống sót và vươn lên tại các thành phố lớn tất nhiên rất khốc liệt. Có người thành công lớn, có người ít thành công hơn và có người thất bại. Tự điều chỉnh, tự sắp xếp theo các quy luật nội tại, xã hội phân chia thành các tầng lớp, không gian xã hội chia thành các khu vực. Tất cả tạo thành bức tranh xã hội đô thị sinh động và năng động.

Sự phát triển của Tp.HCM, nhất là từ khi có chính sách đổi mới, diễn ra theo kịch bản đó và có thể coi là một ví dụ về đô thị lớn mạnh nhờ nguồn lực di dân, dù chưa hẳn là ví dụ hoàn hảo. Cứ thử làm một thống kê, chắc chắn sẽ thấy điều thú vị là phần lớn cư dân thành phố hiện nay, cả thành đạt và không thành đạt, không phải là người chính gốc Sài Gòn.

Để kiểm soát, điều tiết di dân trên cơ sở tôn trọng quyền tự do đi lại, cư trú của công dân một cách có hiệu quả, nhà chức trách dùng các công cụ kinh tế, xã hội là chính. Chẳng hạn, để người lao động trẻ gốc nông thôn vui vẻ, tự nguyện ở lại quê nhà lập thân, lập nghiệp, thì phải đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đẩy mạnh khuyến nông, phát triển hệ thống bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm xã hội cho nông dân,... Để giảm nhẹ vấn nạn nhà ổ chuột ở đô thị thì phải thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội, xây dựng nhiều công trình tiện ích công cộng,…

Có ý kiến cho rằng đối với những đô thị “đặc biệt”, nên có hệ thống kiểm soát di dân như thế nào để bảo đảm cư dân tiêu biểu của đô thị phải thuộc thành phần tinh hoa của xã hội. Hệ thống sàng lọc như thế sẽ cho phép chỉ “kết nạp” vào cộng đồng thị dân những người nhập cư hội đủ các điều kiện ngặt nghèo về trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, mức thu nhập, nói chung là các điều kiện cần để có thể gia nhập vào tầng lớp trên của xã hội.

Chưa nói về tính hợp hiến của hệ thống đó, không khó để chỉ ra những lỗ hổng cơ bản của nó. Trước hết, trong bất cứ xã hội nào cũng cần những thành viên đảm nhận những công việc đa dạng, đủ loại; không thể sử dụng hệ thống ấy để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân công trong khu vực lao động giản đơn.

Vả lại, với cơ chế sàng lọc này, nếu nhà chức trách có quyền từ chối trao danh hiệu công dân chính thức cho người nhập cư vì lý do kém năng lực, thiếu bằng cấp… thì, theo đúng logic của hệ thống, nhà chức trách cũng phải tước danh hiệu đó đối với thành viên nào vốn có được nó do may mắn sinh ra giữa đô thị trong một gia đình cao sang, nhưng lớn lên lại học hành chẳng ra gì và cũng chẳng biết làm gì có ích.

Liệu nhà chức trách đô thị có làm được việc này không?

TS. Nguyễn Ngọc Điện (SGTT)