16:30 01/02/2012

Doanh nghiệp châu Âu đang nghĩ gì về kinh tế Việt Nam?

Hoài Ngân

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tỏ ra bớt bi quan hơn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam

Cuộc khảo sát lần thứ sáu về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện vào tháng 1/2012 - Ảnh: Reuters.
Cuộc khảo sát lần thứ sáu về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện vào tháng 1/2012 - Ảnh: Reuters.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tỏ ra bớt bi quan hơn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, theo kết quả của cuộc khảo sát lần thứ sáu về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện vào tháng 1/2012.

Cuộc khảo sát cho hay mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã có sự gia tăng khiêm tốn, sau khi đã giảm 11 điểm trong quý IV/2011.

Mối lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng kinh doanh dường như phần nào đã trở nên nhẹ nhàng hơn với các công ty thành viên của EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát lần này cho dù triển vọng kinh doanh và đánh giá của họ về tình hình hiện tại vẫn còn ảm đạm.   

So với kết quả khảo sát gần đây nhất, các phản hồi của doanh nghiệp cho thấy sự thay đổi nhỏ trong cách đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ. 38% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh của họ là trung binh, giảm nhẹ so với tỉ lệ 45% trong lần khảo sát lần trước.

Số đánh giá “tốt” hoặc “xuất sắc” về tình hình kinh doanh hiện tại của họ chiếm 36%, tăng nhẹ so với tỉ lệ 32% của quý trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 64% doanh nghiệp hài lòng với tình hình kinh doanh hiện tại vào cùng thời gian này năm ngoái.

Số doanh nghiệp có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại vẫn hầu như không đổi so với quý trước là 26%, nhưng cao hơn 14% so với năm trước.

Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư cho năm 2012, thành viên tham gia có thể hiện sự thoải mái hơn một chút nhưng vẫn thận trọng như các cuộc khảo sát trước đây. 38% có kế hoạch tăng đầu tư “ít” hoặc “nhiều” (10%), trong khi 31% muốn duy trì mức đầu tư của họ và 24% có kế hoạch giảm đầu tư tại Việt Nam trong trung hạn.

Về mức doanh thu và số đơn hàng mong đợi, câu trả lời lại thể hiện những sự trái ngược về quan điểm. 47% hy vọng có sự gia tăng về doanh thu về mặt trung hạn, tương tự như quý trước (45%); trong khi số doanh nghiệp (27%) mong muốn số đơn hàng giữ nguyên ít hơn so với quý trước (34%).

Cuộc khảo sát cho hay lạm phát cao vẫn là một mối quan tâm lớn cho các doanh nghiệp. Đối với câu hỏi về tỷ lệ phần trăm mất giá của tiền đồng, mức trung bình của tất cả các câu trả lời là 8,33%. Ngoài ra, 53% doanh nghiệp cho rằng lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh của họ; 36% cho rằng họ bị một số tác động và 8% đánh giá lạm phát thực sự đe dọa công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Có tới 65% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô tại Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn. Trong khi 35% cho rằng tình hình sẽ ổn định và dần dần được cải thiện. Điều này cho thấy một sự không chắc chắn cơ bản từ phía các nhà đầu tư về nền kinh tế Việt Nam.

Khi được hỏi liệu khủng hoảng kinh tế hiện tại của châu Âu có ảnh hưởng đến các quyết định của công ty trong việc đầu tư vào Việt Nam không? Thì 55% khẳng định rằng khủng hoảng có ảnh hưởng đến họ, mặc dù hầu hết doanh nghiệp khẳng định là ảnh hưởng “nhẹ”. Ngược lại, 44% phản hồi rằng khủng hoảng tại châu Âu không ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc đầu tư tại Việt Nam.

Khi được hỏi liệu tham nhũng cơ bản có làm giảm hoặc trì hoãn việc đầu tư của họ tại Việt Nam không, khoảng 39% cho rằng có ít ảnh hưởng, 25% nói rằng tham nhũng không ảnh hưởng gì và 34% doanh nghiệp nói rằng tham nhũng làm giảm hoặc trì hoãn "đáng kể" đầu tư của họ tại Việt Nam. Đây là một sự gia tăng từ tỷ lệ 28% trong quý trước và cũng cho thấy tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và thể hiện nổi bật trong sự cân nhắc của các nhà đầu tư về Việt Nam.