11:35 24/10/2010

Đổi mới điều kiện “dân kiện quan”

Nguyên Vũ

Tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện vụ án ra tòa hành chính không cần qua khiếu nại

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng luật sẽ giải quyết được căn bệnh đùn đẩy, vòng vo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu Quốc hội kỳ vọng luật sẽ giải quyết được căn bệnh đùn đẩy, vòng vo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Mở đầu phần phát biểu về dự án Luật Tố tụng hành chính tại phiên họp sáng 23/10 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh: thực chất của tòa hành chính là tòa "dân kiện quan", nếu đạo luật được thông qua sẽ là cơ hội tốt nhất để người dân tiếp cận công lý.

Theo vị đại biểu này, Quốc hội là dân chủ đại diện còn tòa hành chính là dân chủ trực tiếp, người dân có quyền tranh tụng công khai với quan chức nhà nước. Tuy nhiên có người cho rằng "dân làm sao thắng được quan, chính trị, tiền bạc hay tình cảm đi vào tòa thì công lý cắp cặp ra đi".

"Khi nói đến hình ảnh của tòa thì cũng như các cơ quan khác nếu bị ai tác động đều có thể bị chi phối, nhưng tôi cho đó là mặt trái của xã hội và tôi tin chắc rằng nếu đạo luật này được thông qua công lý sẽ được thực hiện tại tòa tốt hơn", đại biểu Thuyến nói.

Sự quan ngại của đại biểu Thuyền về những khó khăn khi “dân kiện quan" cũng đã được đại biểu Lê Minh Hiền đề cập trước đó. Đó là Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành đã nghiêm cấm việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng thông báo, biên bản, công văn thay cho quyết định giải quyết khiếu nại.

Nhưng thực tế, nhiều cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện việc ban hành quyết định mà luật đã quy định, gây khó khăn cho người dân trong thủ tục tố tụng hành chính phải cung cấp quyết định giải quyết khiếu nại.

Do đó, đại biểu Hiền đề nghị dự thảo luật cần giải thích chuẩn xác thế nào là quyết định hành chính và không nên có quy định hợp thức hóa cho việc sai phạm khi ban hành quyết định hành chính không tuân thủ hình thức mà luật đã quy định.

Cũng bởi vì sự “nhiêu khê, mập mờ” khi giải quyết khiếu nại như đại biểu Hiền đã chỉ ra, nên dự thảo luật Tố tụng hành chính đã quy định, cá nhân, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án ra tòa hành chính, không đặt ra điều kiện phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính thì khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý thì vẫn có quyền được khởi kiện vụ án tại tòa án.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở Việt Nam. Bởi vậy, đã nhận được sự đồng thuận cao của nhiều vị đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng, quy định như vậy không chỉ mở rộng quyền cho người dân mà còn thể hiện sự khách quan, dân chủ hơn trong hoạt động tố tụng hành chính. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đều quy định người dân chỉ có quyền khởi kiện hành chính khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Do đó để đảm bảo tính khả thi của luật, cần đồng thời sửa đổi các quy định về quyền khiếu nại, quyền khởi kiện hành chính của các văn bản hiện hành, đại biểu Nguyệt đề nghị.

Trước một số ý kiến tỏ ra ngại về khả năng thực hiện quy định mới này khi  bộ máy tổ chức của tòa án còn yếu, đội ngũ thẩm phán, thư ký còn thiếu, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng “thiếu cũng phải cố lên chứ không thể vì mình yếu mình thoái thác nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt, bức xúc trong nhân dân”.

Cũng liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của dân, nhiều đại biểu đồng tình dự án luật này cần quy định cơ chế đặc biệt để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

Với 17 chương, 264 điều, dự án luật Tố tụng hành chính trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này đã tăng hơn so với dự thảo tại kỳ họp trước 4 chương 101 điều.

Đây được coi là một dự án luật rất quan trọng, là một bước tiến mới trong cải cách thể chế và mở rộng dân chủ, cũng là bước đổi mới căn bản mở rộng thẩm quyền xét xử tòa án, bảo đảm cho người khởi kiện quyền tự do lựa chọn khiếu kiện với cơ quan hành chính hay khởi kiện tại tòa án.