15:22 30/08/2010

Dự án đường sắt cao tốc đang được khởi động lại?

Thúy Hằng

Dự kiến ngày mai (31/8), thỏa thuận lập dự án đầu tư xây dựng hai đoạn tuyến đường sắt sẽ được ký

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án được dư luận hết sức quan tâm - Ảnh minh họa.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam là dự án được dư luận hết sức quan tâm - Ảnh minh họa.
Tuy không được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, song dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM vẫn đang là vấn đề được dư luận dành nhiều quan tâm.

Đặc biệt, mới đây, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng đã cho biết, từ nay đến cuối năm 2010, Tổng công ty sẽ chủ động phối hợp với đối tác Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng hai đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, Tp.HCM - Nha Trang (thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM), và dự án đường sắt Ngọc Hồi - Nội Bài, nhằm thực hiện mục tiêu của ngành là "đổi mới, an toàn và phát triển bền vững”.

Theo kế hoạch, các dự án trên có thể sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2010 và kết thúc vào quý 1/2012.

Trao đổi với báo Pháp Luật Tp.HCM, một lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng xác nhận phái đoàn của Nhật Bản đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Về cơ bản, phía Nhật đã đồng ý tài trợ cho Việt Nam trong việc lập báo cáo dự án trên. Dự kiến biên bản ký kết thỏa thuận dự án trên sẽ được ký kết trong ngày mai (31/8). Sau đó các cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu, lập dự án với thời gian khoảng hai năm.

Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, ngay trước thời điểm Quốc hội bấm nút quyết định "số phận" dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, nếu được Quốc hội cho phép làm báo cáo khả thi, thì Chính phủ dự kiến sẽ ưu tiên xây dựng đoạn tuyến Nha Trang - Tp.HCM trước, trong đó ưu tiên số một là Tp.HCM - Phan Thiết.

Tuy nhiên, sau đó Quốc hội đã không thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM vì chỉ có hơn 37% đại biểu Quốc hội tán thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) ngay sau kỳ họp, cũng khẳng định không có sức ép cho việc phải thông qua dự án đường sắt cao tốc lần sau (như một vài cử tri lo lắng hỏi tại buổi tiếp xúc) vì Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải chuẩn bị "chín" mới trình tiếp, cả về tính khả thi, trình độ kinh tế, sự phù hợp.

Ngày 20/7, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp Quốc hội thứ bảy tại phiên họp thứ 32,  Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để trình dự án đường sắt cao tốc “vào thời gian thích hợp”.