21:48 03/06/2015

Dự án sân bay Long Thành đã được tiếp thu thế nào?

Nguyên Vũ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành

Sáng 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Sáng 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước phiên thảo luận của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào sáng 4/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án này.

Theo báo cáo, sau kỳ họp thứ 8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khảo sát thực tế, tổ chức tham vấn, lắng nghe ý kiến một số tổ chức, cá nhân, trong đó có một số chuyên gia có ý kiến bằng văn bản gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế.

Mở rộng Tân Sơn Nhất quá tốn kém


Thảo luận tại kỳ họp trước, một số vị đại biểu đề nghị nghiên cứu phương án mở rộng, nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để kết hợp cùng khai thác.

Việc mở rộng Tân Sơn Nhất, theo báo cáo giải trình, là khó khả thi. Vì phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo báo cáo của Chính phủ, để nâng được công suất Tân Sơn Nhất lên 40 - 50 triệu hành khách/năm, thì chi phí ước tính khoảng 191.000 tỷ đồng (tương đương 9,1 tỷ USD), bao gồm cả chi phí đền bù, tái định cư khoảng 140.000 hộ dân với khoảng 500.000 nhân khẩu.

Đó là chưa tính đến di chuyển dân để làm đường giao thông tiếp cận.

Khó khả thi còn ở chỗ, không thể khai thác được hết công suất do xung đột vùng trời với sân bay quân sự Biên Hòa. Bởi khu vực hoạt động của sân bay quân sự Biên Hòa nằm về phía Đông Bắc của sân bay Tân Sơn Nhất, ngay trên các cửa ngõ, hành lang bay vào, ra chính của Tân Sơn Nhất.

Hướng này chiếm lưu lượng tới 60% tổng số chuyến bay đi đến của Tân Sơn Nhất, hiện đã tiệm cận tới giới hạn tiếp nhận. Việc giảm hoạt động bay quân sự của Biên Hòa chỉ giúp giải tỏa bay chờ, chậm chuyến vào một thời điểm nhất định, không mang tính lâu dài và bền vững, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.

Đề nghị thu hồi đất một lần

Một trong những vấn đề khiến nhiều vị đại biểu băn khoăn là tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án huy động vốn Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục.

Có ý kiến cho rằng suất đầu tư của dự án cao hơn so với suất đầu tư trung bình của các cảng hàng không quốc tế các nước trong khu vự và đề nghị làm rõ phân kỳ đầu tư và hình thức đầu tư.

Theo đề xuất của Chính phủ, trường hợp thu hồi đất một lần 2.750 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,23 tỷ USD.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thu hồi đất một lần 5.000 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD, tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 ha.

Với phương án thu hồi đất một lần thì cơ cấu vốn đầu tư như sau: vốn ngân sách nhà nước  797,5 triệu USD, vốn ODA 1.389,3 triệu USD và vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước 3.268,76 triệu USD .

Cơ cấu vốn đầu tư nêu trên là dự kiến vì chưa lập báo cáo nghiên cứu khả thi, do vậy, chưa thể có sự xác nhận, khẳng định tham gia của các nhà đầu tư (vốn ODA, vốn doanh nghiệp, PPP...), báo cáo nêu rõ.

Về đề nghị thu hồi đất một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải thích, ngoài nhu cầu đất trực tiếp dùng cho dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng rất cần thiết.

Bởi vậy, không nên tách rời dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau.

Mặt khác, việc sử dụng đất của người dân sống trong vùng dự án đã bị hạn chế do đã công bố quy hoạch nhiều năm nay. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và người dân sống trong vùng quy hoạch dự án đều mong dự án sớm triển khai để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Khẳng định dự án có tính khả thi cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án và báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư.

Căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2, giai đoạn 3 và báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư, báo cáo giải trình nêu rõ.

Sáng 4/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.