11:46 18/09/2017

Dự thảo Luật Quy hoạch đã “lùi một bước”

Nguyễn Lê

Chính phủ đã "linh hoạt" hơn, nhưng Ủy ban Kinh tế không rõ chính kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đầy băn khoăn về dự án Luật Quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết 
Chính phủ đã "linh hoạt" hơn, nhưng Uỷ ban Kinh tế không rõ chính kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn đầy băn khoăn về dự án Luật Quy hoạch.

Đây là dự án luật lẽ ra đã được thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội, song còn nhiều băn khoăn về tính khả thi nên Chính phủ được yêu cầu tiếp tục hoàn thiện.

Sáng 18/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tờ trình bổ sung dự án Luật Quy hoạch.

Tiếp thu...lùi 

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung thành lập cơ quan lập quy hoạch tại điều 16 để làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch. 

Chính phủ cũng đề nghị chỉnh lý, làm rõ thêm việc quy định tại khoản 3, điều 27 và khoản 3, điều 28 của dự thảo Luật Quy hoạch để thống nhất với pháp luật khác có liên quan và để triển khai cụ thể nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm tính khả thi trong triển khai quy hoạch được lập theo luật này.

Theo đó việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật khác có liên quan. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về vấn đề này, trong Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai luồng ý kiến.

Thứ nhất, đề nghị cơ bản giữ nguyên các quy định này như trong dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 mà không sửa đổi như đề nghị của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở của các quy định này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng dự án Luật Quy hoạch và nghị quyết của Trung ương là “Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước”.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng liệu có bảo đảm tính thống nhất của hệ thống quy hoạch không?

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ cách thức tích hợp các quy hoạch này vào hệ thống quy hoạch quốc gia và cần rà soát những quy hoạch nào cần giữ, quy hoạch nào phải bỏ để sửa đổi quy định của các luật liên quan. 

Nhận xét sự tiếp thu của Chính phủ là lùi lại một bước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "dự thảo luật mới không thể có khoản 3 điều 27 và khoản 3 điều 28 như đã chỉnh lý".

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: đã có quy hoạch tổng thể rồi thì các quy hoạch khác không thể giữ nguyên được nữa. Quy hoạch vùng hay tỉnh đều phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, cứ thay đổi mục tiêu là rất khó - ông Lưu nói.

Làm sao sửa kịp cả đống luật?

Vấn đề lớn khác cũng khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất băn khoăn là tính đồng bộ, ổn định của hệ thống pháp luật khi mà để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch cần sửa đến cả đống luật khác, chưa biết chính xác bao nhiêu - như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội.

Ngoài 8 luật được đề nghị sửa ngay tại một điều của Luật Quy hoạch Chính phủ đề xuất danh mục 24 luật quy định về quy hoạch cần sửa đổi.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế thì việc sửa đổi là cần thiết và các quy định này phải có hiệu lực thi hành đồng thời vào ngày 1/1/2019, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh việc tạo ra các khoảng trống, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước.

Để bảo đảm tiến độ sửa đổi các luật theo yêu cầu, các luật cần sửa đổi, bổ sung phải được Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. 

Tuy nhiên, qua đối chiếu 24 luật được đề xuất sửa đổi với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 8/6/2017, chỉ có duy nhất Luật Giáo dục đại học có trong chương trình, còn lại 23 luật chưa có trong Chương trình. 

Như vậy, trường hợp Chính phủ đề xuất đưa 23 dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, kết hợp với 22 dự án luật đã có trong Chương trình (chưa kể các dự án nghị quyết, các dự án luật đã có trong Chương trình có thể bị kéo dài hơn so với dự kiến và một số luật Chính phủ dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến đầu tư, kinh doanh…) thì số lượng các luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2018 là rất lớn. Đây cũng là quan ngại của Ủy ban Pháp luật - ông Thanh cho biết.

Đây cũng là lo ngại của nhiều ý kiến tại phiên thảo luận.

Nhấn mạnh sửa nhiều luật như vậy là khó khả thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga còn dẫn ra nhiều luật Chính phủ mới trình cũng dẫn đến việc phải sửa nhiều luật khác. Như Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật Cạnh tranh, Luật Phòng chống tham nhũng...

Chính phủ thì quan niệm sửaa nhiều luật như thế là bình thường, nhưng theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga thì mỗi ông bộ trưởng chỉ nhìn riêng góc của một luật đơn lẻ. Không thể để hệ thống pháp luật vô cùng mất ổn định, nhà đầu tư không thể yên tâm được - bà Nga nhấn mạnh.